Nhằm hạn chế tình trạng dự án sau đầu tư không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực, các cấp, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Với sự đầu tư bài bản về công nghệ, quy trình sản xuất, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Honeco do Công ty cổ phần Ong Tam Đảo nghiên cứu, sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với đặc thù là tỉnh có độ mở kinh tế cao, thu ngân sách Nhà nước được đóng góp chủ yếu từ các doanh nghiệp, trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước dần trở thành khu vực tạo động lực tăng trưởng giá trị sản xuất của tỉnh, nhất là kinh tế tư nhân.
Trên cơ sở đó, nhiều cơ chế, chính sách được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai, ban hành, sửa đổi để tập trung cho sự phát triển của khu vực kinh tế này. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nhằm đảm bảo các dự án hoạt động đúng quy định pháp luật, theo chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực và phù hợp với tình hình, điều kiện KT-XH của tỉnh.
Năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản khác. Định kỳ 6 tháng và hằng năm ban hành văn bản đôn đốc và hướng dẫn các nhà đầu tư nộp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở.
Đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện tiến độ cũng như giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn gây ra việc chậm triển khai dự án của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, kiên quyết chấm dứt hoạt động và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các dự án không triển khai hoặc vi phạm quy định của pháp luật, không thực hiện đúng các cam kết về đầu tư và các lĩnh vực có liên quan.
Năm 2024, Sở đã thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với hơn 180 dự án đầu tư DDI, trong đó bao gồm dự án thuộc các lĩnh vực như đô thị, nhà ở, dự án thương mại - dịch vụ, dự án sản xuất ngoài khu công nghiệp... Sau khi giám sát đầu tư, các nhà đầu tư đã có sự thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong việc chấp hành quy định trong triển khai và thực hiện dự án.
Điển hình như việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư đối với dự án “Xây dựng Showroom trưng bày sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh và đèn chùm” tại thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) và việc chấp hành các quy định trong hoạt động theo Luật Doanh nghiệp của Công ty cổ phần Kehin.
Công ty TNHH TKr Manufacturing Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thời điểm kiểm tra, Công ty chấp hành nghiêm các quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, thiếu sót do chưa đảm bảo về thời gian quy định theo Luật Đầu tư trong thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và báo cáo tình hình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, dự án chưa hoàn thành các quy định về hoạt động xây dựng và chưa thực hiện các thủ tục để được hoàn trả tiền ký quỹ bảo đảm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương gồm Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND huyện Yên Lạc thực hiện chế độ giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án theo quy định.
Yêu cầu Công ty cổ phần Kehin chủ động hoàn thành các thủ tục, nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Chấp hành nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ, bảo đảm thực hiện dự án theo quy định.
Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 10 - 11% so với năm 2024 gắn với siết chặt công tác quản lý Nhà nước đối với dự án sau đầu tư, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.
Trong đó, tập trung đôn đốc các dự án triển khai chậm hạn, đề xuất xử lý, thu hồi đối với các dự án đã quá hạn, không có khả năng triển khai... Tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án được quyết định chủ trương đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất...
Ngoài các giải pháp của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng phải nhận thức đúng đắn và tuân thủ quy định pháp luật trong kinh doanh để tạo dựng uy tín, tăng cường lòng tin của khách hàng và đối tác kinh doanh cũng như đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững của doanh nghiệp.
Ngọc Lan