Siết chặt quản lý phương tiện

Siết chặt quản lý phương tiện
7 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, xe máy điện phát triển với tốc độ chóng mặt, với lợi thế là phương tiện có động cơ điện, chạy bằng ắc quy hoặc pin, kiểu dáng đẹp, màu sắc phong phú, giá bán không quá cao, dễ điều khiển… vì những ưu điểm trên nên học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện ngày càng phổ biến. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay có hơn 20 nghìn xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đăng ký mới, nâng tổng số loại phương tiện này đang được quản lý trên địa bàn toàn tỉnh lên gần 1,3 triệu chiếc. Trong đó có nhiều xe máy điện, xe đạp điện được các gia đình mua sắm cho con em đang trong độ tuổi học sinh sử dụng đến trường hằng ngày.
Cảnh sát giao thông huyện Lục Ngạn kiểm tra, nhắc nhở học sinh điều khiển xe máy điện tham gia giao thông trên quốc lộ 31 đoạn qua thị trấn Chũ.
Tuy vậy, không phải học sinh nào cũng chấp hành tốt quy định trật tự ATGT, nhiều em khi ra khỏi nhà hoặc trường lớp có những hành vi nguy hiểm, mất an toàn. Cùng cán bộ CSGT Công an huyện Lục Ngạn làm nhiệm vụ trên quốc lộ 31, chúng tôi gặp nhiều trường hợp vi phạm. Em N.A.T (SN 2009) ở xã Quý Sơn vừa nhập học tại một trường THPT trên địa bàn huyện điều khiển xe máy điện không biển kiểm soát, không lắp gương chiếu hậu. Khi được hỏi, A.T trả lời do xe mới được bố mẹ mua nên không hiểu vì sao lại chưa đăng ký, lắp biển. Còn gương thì em cảm thấy vướng nên tháo ra.
Tại các địa phương khác cũng có tình trạng tương tự, nhiều người tham gia giao thông cảm thấy sợ hãi khi bắt gặp cảnh học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện lao vun vút trên đường, đầu không đội MBH. Khảo sát tại huyện Hiệp Hòa, chỉ trong thời gian ngắn, Công an huyện xử lý nhiều trường hợp học sinh vi phạm như em T.V.T (SN 2009) ở xã Đoan Bái không đủ tuổi điều khiển phương tiện, xe không có gương chiếu hậu, không đội MBH…
Em N.T.M (SN 2007) ở xã Hợp Thịnh không đội MBH, chở người ngồi trên xe không đội MBH; phương tiện không có gương chiếu hậu… Ngay cả học sinh nữ cũng vi phạm, đơn cử như em N.T.H (SN 2009) ở xã Hương Lâm không đủ điều kiện về độ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe, bản thân H và bạn ngồi sau đều không đội MBH.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay có hơn 20 nghìn xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đăng ký mới. Trong số này có nhiều xe máy điện được các gia đình mua sắm cho con em đang độ tuổi học sinh sử dụng đến trường hằng ngày.
Không chỉ xe máy điện, gần đây, xu hướng đi xe đạp thể thao, xe đạp địa hình cũng được nhiều học sinh hùa theo. Điều đáng nói là nhiều gia đình, phụ huynh chiều con em nên mua xe không phù hợp, thiếu quản lý, giáo dục kỹ năng điều khiển đã vô tình đẩy các em đến gần nguy hiểm hơn. Có mặt tại một cửa hàng mua bán xe đạp trên đường Lý Thái Tổ (TP Bắc Giang), chúng tôi trò chuyện với chị N.T.L ở phường Ngô Quyền khi đang tìm mua xe đạp cho con trai.
Cậu bé mới học lớp 7 nhưng đòi mua bằng được chiếc xe đạp địa hình khá to so với vóc dáng. Chị L đành trả tiền rồi nói: “Bạn bè ở trường đều được mua những loại xe như thế này, thậm chí có trường hợp còn đi xe đua của người lớn. Tôi muốn động viên cháu học tốt nên đồng ý mua, sau đó nhờ thợ điều chỉnh lại kích thước”. Nhìn con trai chị L điều khiển chiếc xe đạp trong tình trạng chới với chân mà chúng tôi không khỏi e ngại.
Từ thực trạng nêu trên dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, xe đạp rất cao. Hậu quả để lại nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tương lai của các em. Về lâu dài, trong các em dần hình thành thói quen xấu ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp hiệu quả từ phía gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng.
Theo Thạc sĩ Tâm lý học Hán Thị Hương Giang, Trưởng Phòng Học sinh - sinh viên (Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang), lứa tuổi học sinh có nhiều biến động về tâm sinh lý. Nhiều em muốn thể hiện, khẳng định bản thân, muốn được coi là “người lớn” bằng cách đi xe máy tốc độ cao, đánh võng, không đội MBH, vượt đèn tín hiệu giao thông… Do vậy cần gắn trách nhiệm của gia đình, phụ huynh cùng với nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật. Trước hết, về phía gia đình, các bậc phụ huynh không nên chủ quan cho con em sử dụng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện khi chưa đủ tuổi, sức khỏe.
Cần có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hướng dẫn, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm phải có biện pháp răn đe nghiêm khắc, không để tái phạm. Các nhà trường, cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật ATGT cho học sinh; đồng thời ký cam kết với gia đình và học sinh về việc chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ; phối hợp với lực lượng công an hướng dẫn, giáo dục kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Trao đổi với Thiếu tá Giáp Văn Khương, Phó trưởng Phòng CSGT được biết, bắt đầu vào năm học, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, TP và cơ sở tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Ngoài xử phạt hành chính theo quy định, các đơn vị tổng hợp, gửi thông báo về các trường nơi học sinh theo học để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và có biện pháp cùng với gia đình theo dõi, quản lý giáo dục. Qua các biện pháp trên hướng đến mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện.
Bài, ảnh: Quốc Bảo
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/siet-chat-quan-ly-phuong-tien-154945.bbg