Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thuế nhằm tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động và truy thu thuế chính xác. Ảnh minh họa: ITN
Tăng cường các giải pháp quản lý thuế nhằm chống thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Big Data vào quản lý
Cục Thuế (Bộ Tài chính) đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến triển khai chính sách và đối thoại doanh nghiệp quý II năm 2025 trong toàn ngành.
Ông Đoàn Hữu Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XIX cho biết, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: Ban hành nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuế đất... giúp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm.
Một số chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ có hiệu lực trong quý II/2025 như: Hóa đơn chứng từ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân; Tiền thuê đất, giảm tiền thuế đất...
Báo cáo của Cục Thuế cho biết, công tác quản lý thuế đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), cơ quan thuế đang nỗ lực tìm giải pháp quản lý đầy đủ nguồn thu, nhằm chống thất thu thuế, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Theo Cục Thuế, 4 tháng đầu năm, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2024. Từ ngày 1/4, các sàn thương mại điện tử sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho các cá nhân, hộ kinh doanh trên nền tảng kinh doanh online. Đây là quy định tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Tháng 2/2025, Cục Thuế đã ban hành Đề án 420 về đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý thuế hộ kinh doanh và ban hành Văn bản số 108/CT-TMĐT chỉ đạo các chi cục thuế khu vực tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, vì vậy cần phải có giải pháp, chính sách mang tính đột phá về phương thức quản lý, hạn chế thủ đoạn “lách luật” để trốn thuế, gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo Cục Thuế khẳng định, việc triển khai quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được làm quyết liệt. Lãnh đạo Cục Thuế cũng yêu cầu, cơ quan thuế các cấp cần hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý.
“Toàn ngành Thuế tăng cường triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với quyết tâm cao và cách làm khoa học, bài bản thông qua những nghiên cứu nghiêm túc về thực tiễn quản lý, tận dụng tối đa những tiến bộ của khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để phát triển các ứng dụng quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng eTax Mobile”, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế thông tin.
Thay đổi hình thức, siết chặt quản lý nhằm tránh thất thu thuế Nhà nước. Ảnh minh họa: ITN
Thay đổi hình thức, siết chặt quản lý
Mới đây Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trong đó thông qua việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/6/2026.
Theo Nghị định 70/NĐ-CP của Chính phủ, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ thôi kê khai thuế khoán, thay vào đó là sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, bỏ thuế khoán nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Nguyên Cục trưởng Cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng nêu quan điểm: Việc xóa bỏ thuế khoán là giải pháp tránh cào bằng, đem lại công bằng cho người kinh doanh, đảm bảo cho cơ quan thuế được thực thi pháp luật một cách nghiêm minh và chuẩn xác. Kinh doanh có doanh thu cao thì nộp thuế nhiều, có doanh thu ít thì nộp thuế ít.
Chi cục Thuế thương mại điện tử vừa ban hành Thông báo số 08/TB-TMĐT về việc thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài.
Theo đó, từ ngày 19/5, cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài sẽ được điều chỉnh từ Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn sang Chi cục Thuế thương mại điện tử.
Tới đây các “ông lớn” hoạt động kinh doanh xuyên biên giới như: Google, Meta, Netflix, TikTok... sẽ do Chi cục Thuế thương mại điện tử quản lý.
Chi cục Thuế thương mại điện tử sẽ gửi thông báo đến các nhà cung cấp ở nước ngoài để đăng ký, kê khai, nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử https://etaxvn.gdt.gov.vn/nccnn/.
Việc điều chỉnh cơ quan quản lý thuế lần này cho thấy sự thích ứng nhanh chóng trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa ngành Thuế hướng đến người nộp thuế trong nước và xuyên biên giới.
Cơ quan thuế kỳ vọng tăng cường chuyên môn hóa quản lý thuế đối với nhóm đối tượng đặc thù, đồng thời nâng cao chất lượng hỗ trợ, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp.
Báo cáo từ Cục Thuế cho biết, trong quý I/2025, có hơn 148 nhà cung cấp nước ngoài gồm các tập đoàn như Google, Meta, Microsoft, TikTok đã thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với số tiền hơn 2.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hơn 66.000 hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đã đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua cổng kê khai nộp thuế thương mại điện tử, với tổng số thu gần 548 tỷ đồng.
Trong ba tháng đầu năm, toàn ngành thu ngân sách Nhà nước đạt 668.313 tỷ đồng, tương đương 38,9% dự toán và tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 13/19 khoản thu đạt trên 30% dự toán và 16/19 khoản thu ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.
Phân tích dữ liệu Metric.vn cho thấy, quý I vừa qua, tổng doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt hơn 101.000 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng hàng hóa tiêu thụ đạt 950,7 triệu sản phẩm, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 78 nhà bán hàng đạt doanh số trên 50 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi về số lượng so với quý I/2024. Hơn 1.000 cửa hàng trực tuyến có doanh số trên 10 tỷ đồng. Sàn thương mại điện tử TikTok Shop tăng trưởng doanh số lên tới 113%, nâng thị phần từ 23% lên 35%. Shopee tăng trưởng hơn 29%, chiếm 62% thị phần. Trong khi đó, Lazada và Tiki lần lượt mất 43,5% và 66,6% doanh số so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên Khôi