Siết chế tài, tăng trách nhiệm

Siết chế tài, tăng trách nhiệm
3 giờ trướcBài gốc
Theo đề xuất của UBND TP, những công trình vi phạm gồm: xây dựng sai quy hoạch; không có hoặc sai nội dung trong giấy phép đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép và sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; công trình thi công không đúng thiết kế hoặc đưa vào sử dụng mà chưa có nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy... sẽ áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Nếu đề xuất được HĐND TP thông qua, sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2025.
Thời gian gần đây, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP và sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện, thị xã, nên tỷ lệ công trình vi phạm TTXD giảm mạnh, hạn chế được những vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, vào năm 2016 tỷ lệ vi phạm TTXD ở mức 13,9%, đến hết năm 2024 đã giảm xuống còn 1,67%.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng vi phạm TTXD đô thị vẫn diễn ra với chiều hướng phức tạp, tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Các đối tượng vi phạm thường tranh thủ buổi tối để vận chuyển vật liệu và thi công vào vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tết. Đáng lo ngại là nhiều công trình xây dựng tại các dự án lớn, tình trạng vi phạm diễn ra một cách công khai.
Bằng chiêu trò “móc nối”, các đối tượng vi phạm vẫn được cấp điện, cấp nước đầy đủ để phục vụ hoạt động xây dựng trái phép và sinh hoạt sau khi công trình đã hoàn thiện. Một số địa bàn có tỷ lệ vi phạm TTXD ở mức cao trên địa bàn Thủ đô như: Cầu Giấy (14,58%), Chương Mỹ (9,09%), Đan Phượng (6,9%), Gia Lâm (5,6%), Hoàn Kiếm (7,4%), Mê Linh (42,5%), Sóc Sơn (10,7%), Thạch Thất (9,8%)...
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc UBND TP Hà Nội đề xuất áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại những công trình vi phạm TTXD là rất cần thiết trước thực trạng vi phạm TTXD trên địa bàn. Nếu không siết chặt bằng chế tài, sẽ gây khó khăn cho phía cơ quan quản lý, khi nhiều trường hợp vi phạm dù đã ký biên bản xử phạt hành chính và nộp tiền, vẫn tiếp tục sai phạm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc ban hành một quy định hành chính nhằm siết chặt chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm là cần thiết. Nhưng để xử lý tận gốc tình trạng vi phạm TTXD, cần sớm loại bỏ “vấn nạn” tham ô, tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, vì nếu không nhận được sự “hậu thuẫn, tiếp tay” từ đó thì người dân và DN sẽ không dám thực hiện hành vi của mình.
Theo đó, cần tăng trách nhiệm đối với những cán bộ công chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nơi xảy ra tình trạng vi phạm TTXD; thậm chí phía cơ quan điều tra cần đưa ra xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm từ những nhiệm kỳ trước, vừa xóa bỏ được tư duy nhiệm kỳ, vừa giúp đưa hoạt động quản lý Nhà nước đi vào quy củ. Như vậy, siết chặt chế tài theo quy định hành chính là cần thiết, nhưng đồng thời cũng cần tăng trách nhiệm đối với người thực thi công vụ có biểu hiện sai phạm, tiếp tay. Có như vậy mới có thể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi vấn nạn vi phạm TTXD.
Mai Vân
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/siet-che-tai-tang-trach-nhiem.html