'Siết' quản lý thuế bán hàng online: Người ủng hộ, kẻ thấp thỏm lo âu

'Siết' quản lý thuế bán hàng online: Người ủng hộ, kẻ thấp thỏm lo âu
10 giờ trướcBài gốc
Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết đang thu thập thông tin về người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Trường hợp không nhận được sự hợp tác, ngành thuế sẽ xử lý các hành vi trốn thuế.
Theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và 0,5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chưa kể phí sàn TMĐT (thường dao động từ vài % đến 20%).
Chị Mai Châu (Hoàng Mai, Hà Nội) - chuyên bán đồ chơi trẻ em trên sàn TMĐT nhiều năm nay chia sẻ, 2 năm qua, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, doanh số đi xuống, việc phải đóng thuế sẽ tiếp tục gây khó khăn. Chưa kể, từ ngày 1/4, các sàn TMĐT tăng các loại phí gấp 2-3 lần. Những quy định này dễ dẫn đến nhiều hộ kinh doanh đóng cửa hoạt động.
4 tháng đầu năm 2025, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Đồng tình với quy định sàn TMĐT nộp thuế thay cho người bán, song chị Châu bày tỏ cơ quan thuế thu ở mức hợp lý trong bối cảnh doanh thu sụt giảm như hiện nay để người kinh doanh còn tự tin phát triển tiếp. Đồng thời, các sàn TMĐT nên xem xét lại mức phí, bởi hiện tại mức phí từ vài phần trăm đến 20% là khá cao, gây áp lực lớn lên người bán hàng nhỏ lẻ.
Anh Thành Chung, kinh doanh mặt hàng thời trang online tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thuế ở mức 1,5%, nghe thì ít, nhưng cộng dồn thì ảnh hưởng đến lợi nhuận. Doanh thu 100 triệu đồng, mỗi tháng phải đóng 1,5 triệu đồng. Bây giờ nếu mình không tăng giá sản phẩm thì rất khó có lãi, nhưng nếu tăng giá bán thì doanh thu sẽ sụt giảm, khó cạnh tranh hơn.
Lúc trước, toàn bộ hàng quần áo anh Chung bán trên sàn đều có mức giá thấp hơn so với bán trực tiếp. Nhưng hiện tại bắt đầu điều chỉnh dần, không còn sự cách biệt quá lớn, với chính sách mới thì một số sản phẩm trên sàn còn có giá cao hơn so với mua qua kênh khác.
Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng việc kê khai nộp thuế sẽ mang lại lợi thế cho người bán về sự cạnh tranh, minh bạch và thậm chí dễ dàng vay vốn ngân hàng.
Chị Thu Hương, chủ một chuỗi nông sản online chia sẻ việc kê khai thuế được xem là "tấm bằng bảo lãnh" cho sự minh bạch: "Nó giúp mình tránh được rủi ro pháp lý, xây dựng uy tín với khách hàng, nhà vận chuyển, cả sàn TMĐT. Để hợp tác với đối tác lớn, mình cần minh bạch thuế. Bởi theo Bộ Công Thương, năm ngoái có đến 70% đơn hàng online vi phạm chất lượng đến từ các shop không đăng ký, trốn thuế”, chị Hương cho hay.
Ngoài ra, việc tuân thủ thuế còn giúp người kinh doanh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Theo Quyết định 2568 của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp có hồ sơ thuế rõ ràng có thể được vay vốn với lãi suất thấp hơn 2–3% so với thông thường.
Thực tế, theo các chuyên gia, việc cơ quan thuế siết quản lý thuế bán hàng online là cần thiết. Bởi quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ngày càng tăng, năm 2024 ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với 2023. Nhiều cá nhân bán hàng online, livestream thu được tiền tỷ nhưng kê khai ít hoặc thậm chí trốn thuế nhưng cơ quan quản lý thuế không tìm được địa chỉ, danh tính cụ thể.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, kinh doanh lãi cao nhưng không đóng thuế, phí giúp người bán hàng TMĐT có thể mạnh tay giảm giá, khiến những người thuê cửa hàng, quầy sạp trong chợ hay trung tâm thương mại không thể cạnh tranh được. Đây cũng là điều không công bằng cho hoạt động bán hàng nói chung.
Đối với việc các sàn TMĐT tăng phí, một chuyên gia nhận xét đây là điều đã được lường trước, bởi trước đây các sàn chấp nhận lỗ để thu hút người bán và người mua, nhưng khi đã có thị phần lớn, họ điều chỉnh phí để tối ưu lợi nhuận tương tự mô hình của các hãng xe công nghệ. Do đó, người bán hàng không nên phụ thuộc vào sàn TMĐT mà cần đa dạng hóa kênh bán hàng như mạng xã hội và các nền tảng tìm kiếm.
Theo các chuyên gia, việc cơ quan thuế siết quản lý thuế bán hàng online và các sàn tăng phí sẽ tác động lớn đến các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ lẻ. Bắt buộc người bán hàng phải tăng giá sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa khiến biên lợi nhuận có thể giảm từ 15% xuống chỉ còn 7%.
Trong bối cảnh này, người bán cần tối ưu nhân công, tìm nhà cung cấp giá tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Hàng Việt cũng đang chịu sức ép lớn từ hàng Trung Quốc giá rẻ, vì vậy cần xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt và chế độ hậu mãi tốt.
Theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế, cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong 2 năm trước đó. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2025, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/siet-quan-ly-thue-ban-hang-online-nguoi-ung-ho-ke-thap-thom-lo-au-1106894.html