Nhiều bất cập phát sinh
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2022 quy định về bảo trì công trình hàng hải.
Dự thảo thông tư mới bổ sung quy định về tần suất đánh giá an toàn công trình hàng hải, nhằm đảm bảo an toàn khai thác, kéo dài tuổi thọ công trình (Ảnh minh họa).
Đánh giá về sự cần thiết sửa đổi Thông tư 19/2022, theo Cục Hàng hải và Đường thủy VN, quá trình triển khai thông tư thời gian qua, nhiều vấn đề bất cập đã phát sinh, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Cụ thể, một số loại công trình hàng hải quan trọng như bến phao, công trình đóng mới tàu biển chưa được đề cập dẫn đến thiếu thống nhất trong công tác quản lý và bảo trì.
Việc đánh giá an toàn công trình hàng hải là nội dung quan trọng nhằm xác định mức độ ổn định, khả năng chịu lực và tình trạng kỹ thuật của công trình trong suốt quá trình khai thác. Nhưng quy định hiện hành chưa quy định cụ thể về thời điểm thực hiện đánh giá an toàn, nhất là với các trường hợp công trình bến cảng, cầu cảng thường xuyên khai thác ở trạng thái giới hạn.
Ngoài ra, Thông tư 19 chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định tần suất khảo sát đối với luồng hàng hải, khu nước, vùng nước dẫn đến không đồng bộ, thống nhất trong quản lý tại các khu vực cảng biển có điều kiện thủy văn khác nhau.
"Vai trò của cảng vụ hàng hải trong kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng, khai thác và bảo trì công trình hàng hải cũng chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2022 rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn công trình hàng hải, phù hợp với tình hình thực tế và định hướng cải cách hành chính của Nhà nước", Cục Hàng hải và Đường thủy nêu quan điểm.
Đánh giá an toàn công trình 3 năm/lần
Điểm đáng chú ý tại dự thảo là đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng công trình hàng hải phải thực hiện bảo trì.
Các loại công trình được bổ sung như: bến phao neo, công trình đóng mới tàu biển, công trình chỉnh trị, khu vực đón trả hoa tiêu, khu chuyển tải, vùng quay trở tàu... nhằm đảm bảo bao quát thực tiễn khai thác.
Một trong những nội dung quan trọng cũng được nghiên cứu bổ sung tại dự thảo thông tư là quy định bắt buộc thực hiện đánh giá an toàn công trình với chu kỳ 3 năm/lần với các trường hợp bến cảng, cầu cảng tiếp nhận tàu có tải trọng vượt thông số thiết kế công bố, nhằm tăng cường giám sát và bảo đảm an toàn công trình trong khai thác thực tế.
Theo Bộ Xây dựng, đối với bến cảng, cầu cảng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thông số kỹ thuật đã được công bố tại quyết định công bố, các đơn vị tư vấn chuyên ngành khi lập quy trình bảo trì bến cảng thường khuyến cáo chủ đầu tư thực hiện kiểm định định kỳ kết cấu bến cảng, cầu cảng với tần suất 5 năm/lần hoặc nhiều hơn.
Tần suất kiểm định này phù hợp với các bến cảng, cầu cảng đang khai thác trong điều kiện bình thường, tiếp nhận tàu có trọng tải đúng với thiết kế. Song, đối với tàu có trọng tải vượt quá thiết kế, chu kỳ kiểm định quá dài có thể không đủ để phát hiện kịp thời các vấn đề kỹ thuật do tác động của tàu.
Để kiểm soát hiệu quả hơn tình trạng kỹ thuật của công trình trong các điều kiện khai thác đặc thù, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải đánh giá cần thiết phải bổ sung quy định đánh giá an toàn với tần suất ngắn hơn (3 năm/lần) nhằm phát hiện và xử lý sớm các vấn đề tiềm ẩn về kết cấu.
Dự thảo quy định mới cũng xây dựng và bổ sung các quy định về tần suất khảo sát. Trong đó, quy định rõ cách xác định tần suất khảo sát đối với luồng hàng hải công cộng, luồng hàng hải chuyên dùng, các khu nước, vùng nước. Tần suất này được xác định thông qua phương pháp tính điểm dựa trên các tiêu chí đánh giá về mức độ bồi lắng, trọng tải tàu tiếp nhận, tần suất tàu hoạt động.
Hồ An