Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế được kỳ vọng sẽ mang lại một hệ thống thuế công bằng. Ảnh: Quang Vinh.
Một trong những điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) lần này là đề xuất điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần, áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương và tiền công của cá nhân cư trú. Theo Bộ Tài chính, biểu thuế hiện hành đang được chia thành 7 bậc thuế với các mức thuế suất 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, cấu trúc biểu thuế này bộc lộ nhiều bất cập như số lượng bậc thuế quá nhiều và khoảng cách giữa các bậc thu nhập quá hẹp.
Cụ thể, việc có nhiều bậc thuế khiến người nộp thuế dễ rơi vào tình trạng “nhảy bậc” thuế, khi thu nhập tăng nhẹ đã phải nộp thuế ở bậc cao hơn. Điều này không chỉ làm tăng gánh nặng cho người lao động mà còn tạo thêm áp lực trong công tác quyết toán thuế hàng năm của cơ quan thuế. Số thuế phát sinh từ những trường hợp này thường không lớn, nhưng lại làm gia tăng khối lượng công việc và chi phí hành chính.
Bên cạnh điều chỉnh thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công, Bộ Tài chính cũng đề xuất thay đổi chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS). Hiện nay, thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS được áp dụng một mức thuế suất cố định, không phân biệt thời gian nắm giữ tài sản. Chính sách này vô tình tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ diễn ra phổ biến, góp phần đẩy giá BĐS tăng cao, tạo nên “bong bóng” BĐS.
Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế lần này đề xuất áp dụng các mức thuế suất khác nhau dựa vào thời gian nắm giữ BĐS. Các giao dịch BĐS nắm giữ trong thời gian ngắn sẽ chịu mức thuế suất cao hơn, tạo ra chi phí lớn đối với các hành vi đầu cơ. Ngược lại, các giao dịch được nắm giữ trong thời gian dài sẽ chịu mức thuế suất thấp hơn để khuyến khích đầu tư dài hạn và ổn định thị trường.
Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng chính sách thuế TNCN theo thời gian nắm giữ tài sản không chỉ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ mà còn tăng cường hiệu quả điều tiết thuế, góp phần bình ổn thị trường BĐS.
Để thực hiện hiệu quả chính sách thuế theo thời gian nắm giữ BĐS, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần có sự đồng bộ trong các chính sách liên quan như quản lý đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống đăng ký đất đai và BĐS cần được hiện đại hóa, đảm bảo khả năng ghi nhận đầy đủ và chính xác thời gian nắm giữ tài sản.
Nhiều ý kiến cho rằng những thay đổi trong Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế sẽ tạo ra một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Việc đơn giản hóa biểu thuế, cắt giảm số bậc thuế và điều chỉnh thuế suất đối với các khoản thu nhập cụ thể không chỉ giảm gánh nặng cho người nộp thuế mà còn góp phần tăng thu ngân sách nhà nước một cách bền vững.
Đặc biệt, việc áp dụng mức thuế suất linh hoạt đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, giảm thiểu nguy cơ “bong bóng” thị trường và khuyến khích đầu tư dài hạn. Đây là một bước đi phù hợp trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam đang cần các giải pháp mạnh mẽ để ổn định và phát triển bền vững.
T.Hằng