Dù tạo sức ép thương mại, lệnh siết xuất khẩu đất hiếm cũng khiến doanh nghiệp nội địa Trung Quốc lao đao. Ảnh: Reuters.
Từ lâu, Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm, chiếm tới 90% lượng xuất khẩu đất hiếm toàn cầu. Đây là vật liệu thiết yếu trong quá trình sản xuất xe điện, điện thoại thông minh, thiết bị quốc phòng và năng lượng tái tạo.
Năm 2010, Bắc Kinh từng khiến Tokyo "nín thở" khi hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản giữa lúc căng thẳng ngoại giao leo thang. 15 năm sau, chiến lược này một lần nữa được lặp lại.
Tháng 4/2025, Trung Quốc áp lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm và nam châm vĩnh cửu để đáp trả các mức thuế mới từ chính quyền Mỹ. Đòn phản công khiến nhiều hãng ôtô lớn phải tạm dừng sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, đồng thời buộc Washington phải quay lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, để có thể biến đất hiếm thành công cụ gây ảnh hưởng mang tầm địa chính trị, Trung Quốc đã phải mất hơn một thập kỷ cải tổ sâu rộng ngành công nghiệp vốn từng hỗn loạn và phi chính quy nay.
Từ hỗn loạn đến kiểm soát chặt chẽ
Vào đầu những năm 2000, ngành đất hiếm Trung Quốc được ví như "miền Tây hoang dã", khi bị chi phối bởi hàng trăm doanh nghiệp khai thác và chế biến. Nạn buôn lậu tràn lan, đặc biệt là các đường dây vận chuyển ngụy trang để qua mặt hải quan, khiến chính phủ thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.
Chỉ riêng năm 2014, ước tính có khoảng 40.000 tấn oxit đất hiếm, tương đương gần 150% lượng xuất khẩu hợp pháp, đã bị tuồn ra nước ngoài.
Không chỉ gây thất thoát tài chính, các đường dây buôn lậu còn làm suy yếu nỗ lực kiểm soát và hoạch định chiến lược dài hạn của Bắc Kinh.
Trước thực trạng đó, chính quyền Trung Quốc bắt đầu chiến dịch siết chặt kiểm soát ngành đất hiếm. Từ hàng trăm doanh nghiệp, đến năm 2013, chỉ còn 10 công ty được phép khai thác đất hiếm. Đến năm 2024, thị trường được hợp nhất về tay 2 tập đoàn quốc doanh là China Rare Earth Group và China Northern Rare Earth Group High-Tech.
Bắc Kinh triển khai hàng loạt chính sách kiểm soát quá trình khai thác và xuất khẩu đất hiếm. Ảnh: Reuters.
Song song, từ năm 2006, Bắc Kinh triển khai hệ thống hạn ngạch sản xuất, bao gồm các khâu khai thác, luyện kim và tách chiết. Các hạn ngạch này được công bố định kỳ và là thước đo quan trọng cho nguồn cung toàn cầu.
Đến năm 2024, chỉ có 2 tập đoàn nhà nước đủ điều kiện được cấp hạn ngạch, thay vì 6 đơn vị như trước.
Đặc biệt, từ tháng 6/2024, Trung Quốc triển khai hệ thống theo dõi chuỗi cung ứng đất hiếm, yêu cầu các nhà sản xuất nam châm báo cáo thông tin khách hàng, khối lượng giao dịch và nguồn nguyên liệu.
Đây được xem là bước tiến nhằm theo dõi toàn diện dòng chảy đất hiếm từ khai thác đến xuất khẩu, giảm thiểu thất thoát và củng cố quyền kiểm soát nhà nước.
Tốc độ tăng trưởng nguồn cung đất hiếm trong năm 2024 theo đó đã giảm mạnh. Cụ thể, tổng hạn ngạch khai thác chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn nhiều so với mức tăng 21,4% của năm 2023.
"Quá trình hợp nhất kéo dài hơn một thập kỷ không chỉ giúp Bắc Kinh tăng cường giám sát, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động môi trường tiêu cực do khai thác trái phép và thiếu kiểm soát", ông David Abraham, giảng viên tại Đại học Bang Boise (Idaho, Mỹ), nhận định.
Nhờ đó, Trung Quốc không chỉ giữ vị thế là nhà cung cấp đất hiếm số một thế giới, mà còn chủ động kiểm soát nguồn cung - lợi thế mà không quốc gia nào hiện tại có thể cạnh tranh.
"Gậy ông đập lưng ông"
Dù thống trị nguồn cung, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đang trở thành "gậy ông đập lưng ông" với Trung Quốc, khi hàng loạt doanh nghiệp nội địa phải vật lộn để tồn tại.
Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi lệnh hạn chế được áp dụng, xuất khẩu nam châm đất hiếm sụt giảm tới 75%, buộc nhiều nhà sản xuất vừa và nhỏ phải cắt giảm sản lượng khoảng 15%.
Tại Nội Mông - một trong những trung tâm đất hiếm lớn nhất Trung Quốc - các kho hàng rơi vào tình trạng tồn kho kỷ lục, theo báo cáo từ Sàn Giao dịch Sản phẩm Đất hiếm Bao Đầu.
Sàn này cho biết trong số 11 doanh nghiệp sản xuất nam châm đất hiếm lớn nhất theo công suất, doanh thu từ xuất khẩu năm 2024 chiếm 18-50% tổng doanh thu.
Bên trong một xưởng luyện đất hiếm ở Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Không chỉ mất thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp còn chịu sức ép từ thị trường nội địa. Nhu cầu trong nước lao dốc, đặc biệt từ ngành xe điện - từng được xem là "cứu tinh" cho ngành vật liệu công nghệ cao. Nền kinh tế phục hồi chậm, thị trường EV bão hòa và cạnh tranh gay gắt khiến ngành đất hiếm bị chèn ép từ cả 2 đầu, không xuất khẩu được, cũng không tiêu thụ nổi trong nước.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc đã mất một phần quan trọng trong tệp khách hàng, nhưng chưa biết tới khi nào mới có thể phục hồi", bà Ellie Saklatvala, chuyên gia định giá kim loại tại Argus, nhận định.
Tình hình này được dự báo chưa thể sớm cải thiện, ngay cả sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận nối lại nguồn cung đất hiếm hôm 27/6.
Dù không công bố chính thức vì tính nhạy cảm của vấn đề, 2 nhà sản xuất nam châm tại Trung Quốc xác nhận với Reuters rằng doanh thu năm nay dự kiến sụt giảm.
"Việc này sẽ tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của chúng tôi, dù hiện tại chưa thể ước lượng mức thiệt hại cụ thể", một doanh nghiệp chia sẻ.
Cẩm Tú