Siêu chu kỳ ngành thép Trung Quốc đã kết thúc?

Siêu chu kỳ ngành thép Trung Quốc đã kết thúc?
một ngày trướcBài gốc
Thức dậy sau giấc ngủ trưa tên bàn làm việc, Xiao, một thương nhân kinh doanh thép ở Vũ Hán suy ngẫm về cách mà anh có thể tồn tại sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, theo Financial Times.
Khoảng một nửa số đối thủ cạnh tranh của anh trong khu công nghiệp bụi bặm này đã phá sản trong cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ba năm. Chính khu công nghiệp này cũng bị che khuất bởi bộ khung bê tông khổng lồ của một dự án bất động sản bị bỏ dở.
Anh Xiao cho biết nửa đầu năm ngoái, mức độ suy giảm của thị trường thép cây rất nghiêm trọng. Ngay cả khi chính phủ đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế nhưng vẫn chưa hồi sinh được lĩnh vực bất động sản.
“Nhu cầu vẫn đang rất yếu”, Xiao nói.
Vũ Hán là cái nôi của ngành công nghiệp thép Trung Quốc, vốn đã phát triển song hành cùng sự phát triển vượt bậc của đất nước trong vài thập kỷ qua, trở thành ngành công nghiệp thép lớn nhất thế giới.
“Cơn khát” thép của Trung Quốc ngày càng tăng trong nhiều năm qua. Khi xây dựng các thành phố, Trung Quốc tiêu thụ lượng thép gấp đôi so với toàn bộ lượng thép mà Mỹ sử dụng trong hai thập kỷ từ năm 2000 đến năm 2020.
Nhu cầu thép của thế giới từ năm 2000 đến 2024 (Nguồn: CRU Steel Outlook, GTT, S&P Global, Hiệp hội Thép Thế giới, Financial Times, Đơn vị: Triệu tấn)
Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa quy mô lớn với tốc độ mà thế giới chưa từng chứng kiến trước đây đã thúc đẩy một siêu chu kỳ hàng hóa khổng lồ. Điều này đã khiến giá nguyên liệu thô như quặng sắt và than luyện thép tăng vọt, và định hình lại ngành khai thác mỏ và năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, siêu chu kỳ này bắt đầu suy yếu trong thời kỳ dịch COVID-19, nay đã thực sự kết thúc. Năm ngoái, sản lượng thép của Trung Quốc giám xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua và dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay.
Tiêu thụ quặng sắt cũng giảm vào năm ngoái sau khi đạt đỉnh vào năm 2023. Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc cũng đang bắt đầu đạt đỉnh.
Ông Steele Li, phó chủ tịch của công ty khai khoáng CMOC, nói rằng cơn bùng nổ bất động sản từng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đã kết thúc.
“Động lực từ ngành bất động sản đã hết và tôi không nghĩ nó sẽ quay lại sớm. Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc cần tìm một động cơ mới, có quy mô tương tự,” ông Li nói.
Mặc dù nhu cầu của Trung Quốc đã chững lại trong vài năm qua, đặc biệt là từ sau đại dịch, một số người đã hy vọng rằng các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ sẽ dẫn đến một sự tăng trưởng mới. Nhưng ngành tài nguyên hiện đã từ bỏ hy vọng về một đợt bùng nổ trong hoạt động xây dựng mới, giống như các đợt bùng nổ đi kèm với những gói kích thích trước đây.
Các chuyên gia vẫn tranh cãi về thời điểm chính xác mà nhu cầu của Trung Quốc đạt đỉnh. Nhưng như Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Panmure Liberum, nói: “Siêu chu kỳ hàng hóa của Trung Quốc chắc chắn đã kết thúc.”
Đối với các quốc gia và công ty đã dựa vào làn sóng siêu chu kỳ hàng hóa của Trung Quốc trong 20 năm qua, đây là một sự thay đổi sâu sắc và đôi khi đau đớn.
“Có phải đây là kết thúc của một kỷ nguyên? Có vẻ đúng là như vậy,” ông James Campbell, chuyên gia phân tích ngành thép tại CRU, một công ty dữ liệu hàng hóa, suy nghĩ. Ngay cả với các biện pháp kích thích gần đây, ông nói, “thật sự không có cách nào để kích cầu thép mạnh hơn nữa.”
Sự chuyển dịch trong ngành thép
Khi siêu chu kỳ trước bắt đầu vào khoảng năm 2000, quy mô nhu cầu đã khiến mọi người bất ngờ. “Trung Quốc đã đến và hoàn toàn thay đổi mọi thứ,” ông Peter Toth, giám đốc điều hành ngành khai thác mỏ, nhớ lại.
Các gã khổng lồ ngành khai thác như BHP và Rio Tinto đã báo cáo lợi nhuận hoạt động hơn 100 tỷ USD từ quặng sắt trong giai đoạn 2000-2020. Một số người trong ngành khai thác đùa rằng họ như thể đang xúc tiền từ mặt đất lên.
Nhưng giờ đây, các yếu tố cấu trúc và nhân khẩu học vốn là nền tảng cho đợt bùng nổ đó — quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc — đã trở nên kém mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Tính theo đầu người, Trung Quốc đã vượt qua mức tiêu thụ thép hàng năm của Mỹ và các nước phát triển khác. Tuy nhiên, làn sóng di cư lớn đến các thành phố, trong đó nửa tỷ người chuyển từ vùng nông thôn sang đô thị trong những năm bùng nổ, đang bắt đầu chậm lại.
Tiêu thụ thép tính trên đầu người của Trung Quốc (đường màu đỏ) tăng gần 6 lần kể từ năm 2000 (Nguồn: CRU, Hiệp hội Thép Thế giới, Financial Times; Đơn vị: Kg/người)
“Tiêu thụ thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh và không còn nhiều kỳ vọng cho sự tăng trưởng” ông Marcus Garvey, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Macquarie Group, nói. Ông dự báo rằng sản lượng thép của Trung Quốc sẽ “xoay quanh” mức hiện tại là 1 tỷ tấn mỗi năm, trong đó, xuất khẩu giúp bù đắp cho nhu cầu nội địa yếu kém.
Các vòng kích thích kinh tế trước đây của Trung Quốc — bao gồm vào các năm 2009, 2013 và 2016 — đã bơm tiền vào ngành công nghiệp nặng và xây dựng, liên tục hỗ trợ ngành thép.
Nhưng lần này thì khác. Bắt đầu từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã công bố một loạt các biện pháp kích thích nhằm giúp chính quyền địa phương giảm nợ, cứu thị trường bất động sản và nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi một số biện pháp này được hướng vào cơ sở hạ tầng hoặc kích cầu tiêu dùng để ngăn chặn suy thoái kinh tế, không biện pháp nào có tác động lớn đến thép như trước đây.
Trên thực tế, hầu hết nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần tái cân bằng nền kinh tế của mình sang hướng tiêu dùng hộ gia đình và dịch vụ. Một đợt kích thích xây dựng sử dụng nhiều thép là hoàn toàn trái ngược với những gì cần thiết ở thời điểm này trong giai đoạn phát triển của đất nước.
“Đã có rất nhiều gói kích thích trong những năm qua để giữ cho nhu cầu thép không giảm,” ông Campbell, chuyên gia phân tích tại CRU, nói. “Nhưng những gì chúng ta thấy bây giờ là họ đã đạt đến giới hạn đó.”
Nhiều nhà máy thép chuyển hướng sang xuất khẩu nhằm bù đắp nhu cầu yếu ở thị trường nội địa. Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 111 triệu tấn thép - mức đỉnh 9 năm. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, đặc biệt là với Mỹ, đồng nghĩa với việc với việc còn ít dư địa để Trung Quốc gia tăng xuất khẩu hơn nữa.
Một số nhà máy chuyển sang sản xuất thép cán phẳng - sản phẩm sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất ô tô, đồng thời thu hẹp sản lượng thép thanh (sử dụng trong xây dựng). Các ngành sản xuất, bao gồm ngành ô tô, đang tăng trưởng và chiếm gần một nửa nhu cầu thép của cả Trung Quốc.
“Năm nay, ngành sản xuất tiếp tục đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thép của Trung Quốc”, bà Vivian Yang, chuyên gia đến từ MySteel nhận định. Tuy nhiên, bà dự báo tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm 2-3% trong năm nay, sau khi giảm 3% vào năm ngoái.
Tỷ trọng thép sử dụng trong ngành xây dựng (màu xanh) và các ngành khác (màu ghi) năm 2000, 2024 và dự báo năm 2050 (Nguồn: Finanacial Times, CRU)
Nhiều nhà máy thép Trung Quốc đã phải đóng cửa hoàn toàn — và khoảng 50% các nhà máy thép đang thua lỗ, theo một khảo sát của MySteel tháng này.
Tại thị trấn Ezhou, gần Vũ Hán, một nhà máy thép lớn thuộc sở hữu tư nhân, Hongtai Steel, đã ngừng sản xuất vào năm ngoái.
Khẩu hiệu của công ty, được viết bằng những chữ lớn trên tòa nhà văn phòng của họ, vẫn gợi nhớ về những thời kỳ thịnh vượng hơn: “Sức mạnh như thép, Uy tín như sắt.”
Đối với ngành thép toàn cầu, phần còn lại của thế giới không thể bù đắp cho sự suy giảm ở Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu đang tăng lên ở Ấn Độ, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, nhưng sản lượng nội địa hàng năm của nước này vẫn chỉ bằng 1/8 so với Trung Quốc.
“Thế giới cần quen với tốc độ tăng trưởng chậm hơn,” ông Campbell, chuyên gia phân tích tại CRU, nhận định. Ông dự đoán tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,6% mỗi năm từ nay đến năm 2050, so với mức trung bình 2% hàng năm trong 20 năm qua.
Giá quặng sắt, vốn đã giảm trong thời gian qua, được dự đoán sẽ tiếp tục giảm. Ông Garvey dự đoán giá quặng sắt sẽ giảm xuống mức trung bình 80 USD/tấn vào năm tới, so với khoảng 140 USD/tấn vào đầu năm 2024.
Mặc dù vậy, tương lai của quặng sắt vẫn còn, nhưng sẽ có sự thay đổi: nhu cầu được kỳ vọng sẽ chuyển sang các loại quặng sắt chất lượng cao hơn, được sử dụng trong các quy trình sản xuất thép phát thải carbon thấp hơn.
Trong ngành thép Trung Quốc, sự suy thoái có thể sẽ thúc đẩy việc giảm công suất dư thừa kéo dài trong nhiều thập kỷ và đẩy nhanh việc loại bỏ các nhà máy cũ kỹ, gây ô nhiễm nhiều hơn.
“Thị trường đang dần tái cân bằng cung - cầu ” ông Toth, giám đốc điều hành ngành khai thác tại Newmont, cho biết. “Quặng sắt cấp thấp sẽ dần bị loại khỏi thị trường, và chỉ còn lại các loại cấp cao.”
[Bài 2] Một siêu chu kỳ khác chuẩn bị bắt đầu
H.Mĩ
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/bai-1-sieu-chu-ky-nganh-thep-trung-quoc-da-ket-thuc.html