“Siêu” ngân sách 2.000 tỷ euro của EU vấp phải phản ứng trái chiều. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, đề xuất này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Đức, thành viên lớn nhất và có tiếng nói quan trọng nhất của khối.
Chính phủ Đức tuyên bố "không thể chấp nhận" ngân sách trị giá 2.000 tỷ euro (tương đương 2.300 tỷ USD) cho giai đoạn 2028-2034, một kế hoạch mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi là "tham vọng nhất từng được đề xuất". Các hiệp hội nông nghiệp cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối các đề xuất cải cách liên quan đến quỹ trợ cấp nông nghiệp khổng lồ của khối.
Kế hoạch này tìm cách củng cố an ninh và tăng cường khả năng cạnh tranh của châu Âu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng, đồng thời phải thanh toán các khoản nợ từ gói vay khổng lồ thời kỳ đại dịch COVID-19.
EC đã đưa ra con số 451 tỷ euro cho một hạng mục rộng lớn là "năng lực cạnh tranh", trong đó quốc phòng và không gian được phân bổ 131 tỷ euro, tăng gấp năm lần so với trước đây. Ngân sách cũng dự kiến chi tới 100 tỷ euro cho việc tái thiết Ukraine (U-crai-na) sau chiến tranh, cùng với các quỹ "linh hoạt" mới để sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Đức, ông Stefan Kornelius, tuyên bố ngân sách EU gia tăng là không thể chấp nhận được vào thời điểm tất cả các quốc gia thành viên đang nỗ lực đáng kể để củng cố ngân sách quốc gia của mình. Đức cũng phản đối lời kêu gọi của EC về việc yêu cầu các công ty có doanh thu trên 100 triệu euro phải nộp thêm thuế.
Trong khi Đức cho rằng ngân sách quá lớn, nhiều nhà lập pháp EU lại cáo buộc kế hoạch này không dành đủ ngân sách cho các ưu tiên như thích ứng với biến đổi khí hậu và trợ cấp nông nghiệp, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân sách. Ủy viên Ngân sách Piotr Serafin cho biết, theo kế hoạch, 300 tỷ euro sẽ được dành để hỗ trợ nông dân, giảm so với mức khoảng 387 tỷ euro của ngân sách 7 năm hiện tại.
EU cho biết sẽ có một cuộc điều chỉnh đối với Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), với một số nguồn vốn được chuyển sang các hạng mục ngân sách khác. Tuy nhiên, tương lai của CAP đang đứng trước một cuộc chiến gay gắt.
Thông báo này đã khởi động cho một quá trình đàm phán đầy căng thẳng kéo dài hai năm giữa Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên. Vốn đã căng thẳng về tài chính, một số quốc gia như Đức không sẵn lòng đóng góp thêm vào ngân sách chung.
Không giống như ngân sách trước, lần này EU phải đối mặt với các khoản nợ từ đại dịch COVID-19, khi các quốc gia đã cùng nhau vay 800 tỷ euro để hỗ trợ kinh tế. Chi phí trả nợ này được ước tính vào khoảng 25-30 tỷ euro mỗi năm kể từ năm 2028.
Ngân sách giai đoạn 2021-2027 trước đó trị giá khoảng 1.200 tỷ euro. Theo đề xuất mới, đóng góp quốc gia sẽ tăng nhẹ, từ 1,13% lên 1,15% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các nước thành viên, cộng thêm 0,11% dành riêng cho việc trả nợ các khoản nợ từ gói vay trong giai đoạn dịch. EC cũng tìm cách huy động khoảng 58 tỷ euro mỗi năm thông qua các công cụ thu trực tiếp như thuế carbon qua biên giới và thuế đối với rác thải điện tử.
Phản ứng từ các thành viên khác cho thấy một cuộc chiến khó khăn phía trước. Bộ trưởng châu Âu của Pháp, Benjamin Haddad, ca ngợi "tham vọng" của EC, nhưng Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Eelco Heinen cho rằng ngân sách đề xuất là "quá cao".
Minh Hằng/Bnews/vnanet.vn