Singapore - trung tâm R&D hàng đầu thế giới

Singapore - trung tâm R&D hàng đầu thế giới
8 giờ trướcBài gốc
Singapore là bậc thầy về chiến lược tạo “bẫy” hệ sinh thái R&D với ưu đãi thuế vượt trội nhằm hấp dẫn các tập đoàn công nghệ toàn cầu thực hiện R&D tại nơi đây.
Sớm nhận ra R&D không chỉ là công cụ đổi mới mà còn là chìa khóa để vượt qua những giới hạn về diện tích và tài nguyên, tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững từ những năm 1960, Singapore đã có chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D, giảm thuế cho các công ty tiên phong, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại đây.
TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN R&D CỦA SINGAPORE
Đến thập kỷ 1980, đặc biệt là từ cuối thập kỷ 1990, xác định R&D là trụ cột then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia, Chính phủ Singapore đã xây dựng các kế hoạch dài hạn, mở đầu với Kế hoạch Công nghệ quốc gia (1991-1996) với khoản đầu tư 2 tỷ SGD vào hạ tầng công nghệ, R&D tư nhân và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật.
Bước vào thế kỷ XXI, sự bùng nổ của internet cùng công nghệ mới, nhận thấy chiến lược kinh tế sản xuất giá trị thấp dựa vào FDI và công nghệ nhập khẩu không còn phù hợp, Singapore chuyển sang nền kinh tế tri thức với đổi mới sáng tạo là trụ cột, tập trung tạo ra tri thức và công nghệ mới, nhất là các lĩnh vực như y sinh, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo. Chiến lược này được cụ thể hóa bằng những bước đi mạnh mẽ và táo bạo với việc thành lập các cụm R&D nhằm đưa Singapore trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu.
Năm 2001, ra mắt Khu One-North với khoản đầu tư 15 tỷ SGD với tầm nhìn trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ cao hàng đầu tại Singapore. Năm 2003 ra mắt Cụm R&D Y sinh Biopolis nằm trong Khu One-North. Năm 2008 ra mắt Cụm R&D công nghệ Fusionopolis cũng nằm trong Khu One –North...
Một bước ngoặt quan trọng khác diễn ra vào năm 2006 khi Singapore thành lập Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF), cung cấp nguồn lực tài chính lớn thúc đẩy R&D phát triển, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như khoa học vật liệu, y sinh và kỹ thuật điện tử.
Hiện nay, Singapore tập trung đổi mới sáng tạo vào ba ngành trọng điểm: công nghệ cao (sản xuất điện tử và ICT), dịch vụ kinh doanh dựa trên tri thức (như tư vấn quản lý, công nghệ thông tin) và công nghiệp sáng tạo nội dung (phần mềm, trò chơi điện tử, sản xuất đa phương tiện). Với chiến lược dài hạn, đầu tư bạo tay và thông minh, cơ chế chính sách vượt trội, Singapore đã vượt qua nhiều cường quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc giành vị trí thứ 7 toàn cầu về đổi mới sáng tạo năm 2023 (Global Innovation Index 2023).
Để xây dựng đội ngũ nhân tài R&D, Singapore đầu tư mạnh vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) và triển khai các chương trình học bổng như Singapore - Industry Scholarship, kết nối sinh viên xuất sắc với doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Ngoài tầm nhìn phát triển trên, Singapore còn đầu tư “bạo tay” và tập trung trong phát triển R&D. Quy mô GDP của Singapore không lớn hơn nhiều so với Việt Nam (năm 2023, GDP Singapore đạt 501 tỷ USD, còn Việt Nam là 430 tỷ USD). Với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Singapore. Song Singapore chi cho R&D lên tới 2,2% GDP năm 2020, trong khi Việt Nam chi dưới 0,7% GDP cho R&D năm 2024.
Không chỉ đầu tư lớn, Singapore còn rất tập trung để tạo khác biệt. Mở đầu là Kế hoạch Công nghệ quốc gia (1991-1996), đầu tư 2 tỷ SGD vào hạ tầng công nghệ, R&D tư nhân và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, đến Kế hoạch RIE2020 (2016-2020) ngân sách tăng lên 19 tỷ SGD, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: sản xuất tiên tiến, y sinh học, kỹ thuật số, và giải pháp đô thị bền vững. Hiện nay là Kế hoạch RIE2025 (2021-2025) với ngân sách lên tới 25 tỷ SGD tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo giá trị kinh tế lớn như công nghệ cao, y sinh và AI.
Không chỉ vậy, từng đồng ngân sách được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và giảm lãng phí với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan ASTAR (Agency for Science, Technology and Research).
Một điểm nổi bật khác là Singapore tận dụng FDI làm đòn bẩy đầu tư cho R&D. Phần đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp FDI tại Singapore chiếm tới gần 50%. Cụ thể, năm 2021, tổng chi cho R&D của Singapore là 11,2 tỷ SGD, trong đó đầu tư từ các doanh nghiệp FDI là 5,5 tỷ SGD, chiếm gần 50%, phần chi cho R&D thông qua chi tiêu công và từ doanh nghiệp trong nước là 5,7 tỷ SGD, chiếm hơn 50%, trong đó từ ngân sách là 4,1 tỷ USD, từ các doanh nghiệp trong nước là 1,6 tỷ SGD.
"BẪY" HỆ SINH THAI R&D VỚI ƯU ĐÃI THUẾ
Bí quyết Singapore thúc đẩy doanh nghiệp FDI chi mạnh tay cho R&D nằm ở “bẫy” hệ sinh thái R&D với ưu đãi thuế vượt trội và “bẫy” nhân tài mở, kết nối trí tuệ toàn cầu. Singapore là bậc thầy về chiến lược tạo “bẫy” hệ sinh thái R&D với ưu đãi thuế vượt trội nhằm hấp dẫn các tập đoàn công nghệ toàn cầu thực hiện R&D tại nơi đây, biến họ thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Chính sách ưu đãi thuế vượt trội trở thành công cụ chiến lược không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu đầu tư và tái đầu tư vào R&D. Cụ thể như Chương trình R&D Tax Deduction Scheme khấu trừ thuế lên đến 250% trên các chi phí R&D đủ điều kiện. Từ năm 2023, mức khấu trừ này tăng lên 400% cho 400.000 SGD đầu tiên.
Singapore xây dựng chiến lược phát triển nhân tài dựa trên hai trụ cột chính: phát triển, nuôi dưỡng nhân tài R&D trong nước và thu hút nhân tài R&D quốc tế.
Singapore xây dựng Khu One-North với các cụm đổi mới sáng tạo hiện đại, tạo cầu nối giữa nghiên cứu, chính phủ và doanh nghiệp, chẳng hạn như Cụm y sinh Biopolis, Cụm công nghệ Fusionopolis... Các tập đoàn công nghệ toàn cầu muốn tiếp cận chuyên gia hàng đầu, dữ liệu nghiên cứu và hỗ trợ từ chính phủ thì phải tham gia sâu vào hệ sinh thái, nếu rời đi sẽ mất quyền tiếp cận vào hệ sinh thái này.
Điển hình như Cụm y sinh Biopolis là khu nghiên cứu sinh học hàng đầu thu hút nhiều công ty dược phẩm và công nghệ sinh học quốc tế như Pfizer, Novartis và GlaxoSmithKline. Pfizer đã đầu tư mạnh vào Singapore, thực hiện các nghiên cứu tiên tiến về y học tái tạo và công nghệ sinh học. Sự tham gia của các tập đoàn toàn cầu hàng đầu này không chỉ nâng cao năng lực R&D của Singapore mà còn giúp quốc gia này trở thành một trung tâm y sinh quan trọng trên thế giới.
Bên cạnh đó, Singapore nhận thức rất rõ rằng nhân tài là cốt lõi của mọi thành tựu R&D. Để xây dựng đội ngũ nhân tài R&D, quốc gia này đầu tư mạnh vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) và triển khai các chương trình học bổng như Singapore - Industry Scholarship, kết nối sinh viên xuất sắc với doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Singapore xây dựng chiến lược phát triển nhân tài dựa trên hai trụ cột chính: phát triển, nuôi dưỡng nhân tài R&D trong nước và thu hút nhân tài R&D quốc tế. Quốc gia này cũng tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển giáo dục STEM, đặc biệt thông qua các trường đại học hàng đầu như National University of Singapore (NUS) và Nanyang Technological University (NTU). Những trường này không chỉ liên tục nằm trong top 20 thế giới mà còn thu hút các giáo sư và nhà nghiên cứu xuất sắc từ các viện danh tiếng như MIT và Caltech, tạo nên một môi trường học thuật đẳng cấp toàn cầu.
Đáng chú ý, Chính phủ Singapore đã khởi xướng nhiều chương trình đào tạo chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao. Một ví dụ điển hình là sáng kiến “Trung tâm tài năng công nghệ” (Deep Tech Talent Central), được công bố vào năm 2023. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đào tạo ít nhất 900 nhân tài vào năm 2025 để tham gia vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, AI và công nghệ lượng tử.
Chính phủ Singapore cũng đã đầu tư 20 triệu USD vào các chương trình học bổng từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, đặt mục tiêu tăng gấp ba lần số lượng chuyên gia AI, đạt hơn 15.000 người vào năm 2029 nhằm đảm bảo nguồn nhân lực AI chất lượng cao. Singapore chủ động mời các giáo sư thỉnh giảng từ các tổ chức danh tiếng trên thế giới, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và cung cấp cho thế hệ trẻ cơ hội tiếp cận với các kiến thức tiên tiến.
Singapore cũng đã cấp Giấy phép Công nghệ (Tech Pass) cho các nhân tài người nước ngoài có mức lương hàng tháng từ 20.000 SGD trở lên đến và làm việc tại các công ty công nghệ và làm việc tại Singapore.
Singapore đẩy mạnh nuôi dưỡng nhân tài trong nước, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ thông qua các chương trình học bổng như NRF Fellowship, cung cấp khoản tài trợ lên tới 3 triệu USD trong 5 năm để thực hiện các dự án nghiên cứu độc lập. Đây là một động lực mạnh mẽ, khuyến khích các nhà khoa học trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, góp phần xây dựng một nền tảng tri thức vững mạnh và bền vững cho quốc gia.
Trong thúc đẩy khoa học và công nghệ, việc mời các chuyên gia hàng đầu từ nước ngoài có tác động ngay lập tức trong việc nhanh chóng bắt kịp các quốc gia phát triển. Singapore đã đi đầu thế giới trong việc thu hút các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đến Singapore làm việc với một loạt cơ chế, chính sách khác nhau.
Chính sách “whales and guppies” cùng với Chương trình Distinguished Visitors Programme (DVP) do A*STAR dẫn dắt nhắm tới các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó giúp các nhà nghiên cứu trẻ Singapore bắt kịp các xu hướng tiên tiến trong khoa học và công nghệ, hỗ trợ mục tiêu thúc đẩy sự tương tác, kết nới với cộng đồng khoa học và công nghệ trên toàn thế giới.
THU HÚT NHÂN TÀI R&D QUỐC TẾ VÀ CHÍNH SÁCH VISA ĐẶC BIỆT
Quốc đảo sư tử này cũng tạo ra chính sách visa đặc biệt. Singapore đã và đang triển khai các chính sách visa đặc biệt như Tech Pass và ONE Pass, cho phép chuyên gia công nghệ và nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới làm việc linh hoạt tại Singapore.
Ví dụ, chương trình ONE Pass được triển khai từ đầu năm 2023 nhắm đến nhân tài quốc tế có mức lương hàng tháng từ 30.000 SGD trở lên hoặc những người có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và đổi mới. Chính sách này đã thu hút hàng nghìn chuyên gia từ Mỹ, châu Âu, và châu Á.
Singapore cũng đã cấp Giấy phép Công nghệ (Tech Pass) cho các nhân tài người nước ngoài có mức lương hàng tháng từ 20.000 SGD trở lên đến và làm việc tại các công ty công nghệ và làm việc tại Singapore...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2025 phát hành ngày 10/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1247
————————
(*) Giảng viên Trường Đại học Kinh tế,
Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS. Phạm Mạnh Hùng - PGS.TS. Tô Thế Nguyên (*)
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/singapore-trung-tam-rd-hang-dau-the-gioi.htm