Smartphone đi vào, sự tập trung đi ra

Smartphone đi vào, sự tập trung đi ra
3 giờ trướcBài gốc
(KTSG) – Muốn cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để nâng cao chất lượng giáo dục và hạn chế những hệ lụy ngoài kiểm soát từ ngay trong nhà trường, thì chính nhà trường cũng phải tạo nên một hệ thống sư phạm coi trọng nền tảng kiến thức, sự nghiêm túc trong hoạt động dạy học và chấn chỉnh phương thức truyền đạt, đánh giá học tập mang tính thực chất, thực tế.
Việc này đòi hỏi một lối giáo dục chậm rãi, coi trọng giá trị thực chất. Trên tất cả là một “sức đề kháng sư phạm” thật vững vàng, thật sự thận trọng trước bão táp công nghệ.
Đầu năm học 2024-2025, sự việc hai trường học tại TPHCM (THPT Trường Chinh và THPT Thạnh Lộc, quận 12) tiên phong ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường đã dấy lên một cuộc tranh luận trên các diễn đàn giáo dục về vấn đề liệu ngành giáo dục có nên có quy định “nhân rộng mô hình” này?
Trên diễn đàn giáo dục trên những tờ nhật báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đa số phụ huynh gửi ý kiến tán thành quy định có vẻ nghiêm khắc của hai trường học nói trên. Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng việc cấm hoàn toàn là không nên, bởi học sinh thời bây giờ cần điện thoại để liên lạc với gia đình khi cấp bách, ngoài ra những chiếc smartphone cũng phục vụ việc kiếm tìm thông tin, phục vụ học hành…
Ngoài những ý kiến tán thành quy định có vẻ nghiêm khắc của việc cấm sử dụng điện thoại, cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng việc cấm hoàn toàn là không nên, bởi học sinh thời bây giờ cần điện thoại để liên lạc với gia đình khi cấp bách, ngoài ra những chiếc smartphone cũng phục vụ việc kiếm tìm thông tin, phục vụ học hành… Ảnh: T.L
Nhìn vào cuộc tranh luận đó có thể thấy các “nguyện vọng” được nhìn từ phía phụ huynh, còn các chuyên gia lý thuyết và thực hành sư phạm vẫn chưa đưa ra những ý kiến thực sự xác đáng cho thấy rằng về mặt chuyên môn và thực tế, việc học sinh lạm dụng điện thoại thông minh trong không gian học đường thì ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả học hành, rèn luyện thể chất. Và xa hơn, đây chỉ là một diễn đàn dư luận xã hội, riêng về phía cơ quan chức năng quản lý giáo dục TPHCM nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa có động thái và quyết định chính thức. Dường như mọi thứ vẫn đang được xem xét một cách thận trọng.
Điều đáng chú ý là trong thời điểm này, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học. Mức độ nghiêm ngặt của quy định thì mỗi nơi mỗi khác: nước Anh khuyến khích các trường học trên toàn quốc cấm sử dụng điện thoại di động trong giờ học lẫn lúc ra chơi; Hy Lạp thì không cấm học sinh mang điện thoại di động đến trường học, nhưng phải tuyệt đối để trong cặp, không được sử dụng; tại Đan Mạch thì trường học có mạng lưới tường lửa bảo vệ học sinh không truy cập web đen, mạng xã hội hay mua sắm gây mất tập trung; Hà Lan thì cấm học sinh mang theo điện thoại di động đến trường trên toàn quốc ở các cấp học tiểu học lẫn trung học; các nước châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang có quy định siết chặt việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học để bảo vệ thị lực, cải thiện sự tập trung, nâng cao chất lượng dạy học trực tiếp và tránh học sinh “lậm game”, nghiện mạng xã hội…
Mất tập trung trong tiếp thu bài học, ảnh hưởng thị lực, bị bắt nạt qua mạng, bị chi phối bởi web đen và nghiện game, thiếu vận động… đó là những hệ lụy có thể thấy rõ khi học sinh dùng điện thoại di động quá mức trong trường học mà các nghiên cứu giáo dục trên toàn cầu đã chỉ ra. Trong tất cả hệ lụy trên, có một điều có thể suy diễn đơn giản hợp lý, đó là hoạt động sư phạm dạy và học sẽ gián đoạn nếu như người dạy lẫn người học bị chi phối bởi thế giới trong chiếc điện thoại di động. Chất lượng giáo dục từ đó sẽ suy giảm rõ rệt.
Không thể phủ nhận những giá trị mà chiếc smartphone mang lại. Cũng không thể phủ nhận rằng, thế hệ trẻ con lớn lên trong kỷ nguyên công nghệ, chiếc smartphone đã trở thành vật “gắn bó” từ nhỏ. Điều này hiển nhiên cũng một phần là từ cách “dung dưỡng” của phụ huynh, đa số là chiều con và tập thói quen cho bọn trẻ từ sớm, ngày nay rất hiếm có phụ huynh nào giữ được sự nghiêm ngặt trong việc kiểm soát thời gian dùng điện thoại di động hay Internet của con cái mình. Một điều nữa, việc nhà trường, mà cụ thể là giáo viên trong quá trình dạy học đã lệ thuộc quá lớn vào máy móc phương tiện từ trình bày bài giảng cho đến việc báo bài, làm bài… tạo ra sức ép khiến học sinh không cách nào thoát được điện thoại di động nói riêng và Internet nói chung mỗi ngày.
Ngày nay tại các thành phố lớn của Việt Nam, một học sinh cuối cấp tiểu học đã phải làm quen với việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng để học nhóm, trao đổi với bạn bè về bài tập. Lên cấp 2, con số các nhóm học tập mà các em tham gia trên mạng ngày càng tăng, ngoài nhóm lớp, các em còn phải tham gia các nhóm bài tập thuyết trình, nhóm tổ, nhóm học từng môn để nắm thông tin bài vở… Chưa nói, một số trường còn ký hợp đồng từ một số nhà cung cấp ứng dụng quản lý kỹ thuật số và buộc học sinh, phụ huynh phải đóng phí để tham gia vào (khoác lên chiếc áo mỹ miều là “số hóa”).
Trong cơn say số hóa đó, nhà trường đã tạo nên sức ép và cũng là một điều kiện để các em không thể tách rời việc dùng điện thoại di động. Cũng từ đó, với khả năng định hình tập trung thấp, với sự quyến rũ của nhiều trò chơi ngay trên các ứng dụng mạng xã hội, các em “lân la” đọc tin, xem web, tán gẫu và đa số trở thành các game thủ ngay trong giờ họp nhóm hay làm bài tập. Sự mất tập trung từ lớp học đến giờ làm bài ở nhà bắt đầu từ chính một phương thức sư phạm lệ thuộc công nghệ, mà có thể xác định ngay: nhà trường, thầy cô là nguyên nhân ngay từ đầu.
Muốn nhìn sâu vào những nguyên nhân hệ lụy, có lẽ các nhà sư phạm, cơ quan quản lý giáo dục không thể lờ đi thực trạng nói trên.
Một thực tế nữa, điện thoại di động không chỉ xuất hiện trong hộc bàn của học sinh gây nên sự xao lãng trong các tiết học, mà phải nhìn nhận đầy đủ rằng, nó còn nằm trên bàn của các giáo viên và làm xao lãng các tiết dạy. Học sinh bây giờ quen với hình ảnh các thầy cô giáo vừa dạy học vừa nghe điện thoại, kiểm tra và trả lời tin nhắn, và thậm chí khi học sinh không thuộc bài thì thầy cô có thể móc điện thoại ra gọi cho phụ huynh để phản ánh (và dằn mặt các học sinh khác) ngay trong lớp học, thầy cô nóng nảy bức xúc với các tình huống đời sống bên ngoài bùng phát trên mạng xã hội đã đưa ngay vào “chất liệu” các tiết dạy… Những tình huống sư phạm ứng xử bốc đồng như thế diễn ra ngay từ trên bục giảng, trở thành những hình mẫu bắt chước, nói cách khác, đó là những “bài học” trực quan chẳng tốt lành gì cho học sinh.
Vậy muốn cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để nâng cao chất lượng giáo dục và hạn chế những hệ lụy ngoài kiểm soát từ ngay trong nhà trường, thì không ai khác, chính nhà trường cũng phải tạo nên một hệ thống sư phạm coi trọng nền tảng kiến thức, sự nghiêm túc trong hoạt động dạy học và chấn chỉnh phương thức truyền đạt, đánh giá học tập mang tính thực chất, thực tế. Việc này đòi hỏi một lối giáo dục chậm rãi, coi trọng giá trị thực chất. Trên tất cả là một “sức đề kháng sư phạm” thật vững vàng, thật sự thận trọng trước bão táp công nghệ.
Dĩ nhiên, cũng cần sự đồng tình, chăm sóc từ phía phụ huynh bằng những nguyên tắc có tính nhất quán, từ chủ trương quy định trong nhà trường cho đến nề nếp sinh hoạt khi học sinh ở trong gia đình.
Khi smartphone đi vào trường học thì sự thông thái đi ra, dẫu biết vậy, thì cuộc tranh luận và vận động để smartphone hạn chế can dự vào đời sống học đường xem ra vẫn còn nhiều rào cản nội tại.
Nguyễn An Nam
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/smartphone-di-vao-su-tap-trung-di-ra/