Bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung
Thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với 516 ca. Tiếp đó là các huyện Long Thành 377 ca, Nhơn Trạch 321 ca, Trảng Bom 281 ca. Đây đều là những địa phương có dân số đông, tập trung nhiều khu nhà trọ, điều kiện vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực nhà trọ chưa đảm bảo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường so với mọi năm. Đặc biệt, mùa mưa năm nay đến sớm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại các địa phương là rất lớn.
Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình dịch bệnh hàng tuần tại địa phương; rà soát các xã, phường đang có dịch để xây dựng kế hoạch dập dịch kịp thời. Đồng thời tăng cường giám sát xử lý ổ dịch kịp thời, mở rộng phạm vi xử lý ổ dịch đảm bảo không để ổ dịch lây lan và kéo dài; tăng cường truyền thông để người dân biết cách phòng tránh, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời, hạn chế ca tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Hoa, Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, bệnh sốt xuất huyết hiện đã có vaccine phòng bệnh. Người dân có thể đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine. Ngoài ra, cần chủ động dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay… để đề phòng bị muỗi đốt.
Có 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Một người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời.
Hạnh Dung