Số ca tay chân miệng tăng, EV71 tái xuất

Số ca tay chân miệng tăng, EV71 tái xuất
6 giờ trướcBài gốc
Tăng 80,4% so với cùng kỳ 2024
Từ đầu năm 2025 đến nay, 45 xã, phường (địa bàn Bình Thuận cũ) của Lâm Đồng ghi nhận 700 ca mắc TCM, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm 2024 với 388 ca. Đáng chú ý, 2 tháng gần đây, số ca bệnh tăng vọt. Cụ thể, tháng 5/2025 ghi nhận 150 ca, tháng 6/2025 là 320 ca. Như vậy, tổng cộng số ca mắc bệnh này của 2 tháng với 470 ca, chiếm gần 67,1% tổng số ca trong 6 tháng từ đầu năm đến nay. Diễn biến này cho thấy bệnh TCM đang bước vào cao điểm nếu không kiểm soát kịp thời.
Kiểm tra sức khỏe trẻ đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận.
Từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã La Dạ phát hiện 7 ca, đều chuyển đến Trung tâm Y tế khu vực Hàm Thuận Bắc. Cùng thời gian trên, Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang cũng ghi nhận số ca bệnh rải rác, chủ yếu mức độ nhẹ, điều trị ngoại trú. Ghi nhận Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận hiện đang điều trị hơn 25 ca TCM. Một trường hợp điển hình là chị Đặng Thị T. D. , ở xã Hồng Sơn, tỉnh Lâm Đồng, có 2 con gái nhỏ gồm 1 bé 4 tuổi, 1 bé 6 tuổi cùng mắc bệnh TCM đang điều trị. Chị D. chia sẻ: “Sau khi đi học về, 2 bé cùng sốt, không nổi bóng nước ở tay chân, chỉ có 1 vết loét nhỏ ở miệng được đưa đi bác sĩ, chẩn đoán viêm họng. Mặc dù uống thuốc, nhưng tình trạng sốt vẫn xuất hiện. Gia đình đưa 2 bé đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh TCM”.
Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận) cho biết: Qua kết quả phân lập vi rút, những ca bệnh từ độ 2b trở lên và một số trường hợp mắc bệnh đầu tiên ở địa phương ghi nhận chủng mắc chủ yếu là Coxsackievirus A6. Bên cạnh đó, chủng Enterovirus A71 (EV71) cũng xuất hiện. Chủng EV71 từng gây nhiều ca bệnh nặng, tử vong ở trẻ nhỏ trong các đợt dịch trước. Thực tế, năm 2023, thị xã La Gi (địa bàn cũ) ghi nhận 3 ca trẻ tử vong do bệnh TCM.
Thực hiện “3 sạch” để phòng bệnh
Theo Bộ Y tế, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp. Bệnh này lưu hành quanh năm, nhưng thường tăng tháng 3–5 và 9–10 hằng năm; đặc biệt khi trẻ quay lại trường học sau thời gian nghỉ. 98,6% ca mắc là trẻ dưới 10 tuổi, trong đó nhóm tuổi 1–5 chiếm đến 93,4% ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế và giáo dục phối hợp triển khai phòng chống bệnh TCM tại trường học, nhóm trẻ và cộng đồng.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo đầy đủ xà phòng, nước rửa tay, vệ sinh lớp học, khử khuẩn đồ dùng hằng ngày và phát hiện sớm ca bệnh để báo ngay cho y tế địa phương. Ngành y tế tỉnh tăng cường giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch kịp thời, phân tuyến điều trị hợp lý, hạn chế lây nhiễm chéo; đặc biệt với sởi, viêm phổi và các bệnh hô hấp khác.
Để phòng bệnh hiệu quả, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc “3 sạch”. Đó là ăn sạch (ăn chín, uống chín, không dùng chung vật dụng), ở sạch (vệ sinh đồ dùng, bề mặt tiếp xúc hằng ngày như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi), tay sạch (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là sau đi vệ sinh, trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn hoặc chăm trẻ). Khi trẻ có dấu hiệu sốt, loét miệng, nổi bóng nước, cần đưa đến cơ sở y tế sớm, cho trẻ nghỉ học, tránh tiếp xúc với trẻ khác và không làm vỡ bóng nước để tránh lây lan, nhiễm trùng. Phát hiện sớm – điều trị đúng – phòng bệnh chủ động là 3 nguyên tắc then chốt để bảo vệ sức khỏe trẻ em.
TRANG HIẾU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/so-ca-tay-chan-mieng-tang-ev71-tai-xuat-381624.html