Doanh nghiệp du lịch TP.HCM đối mặt với thách thức kép: vừa phải chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa thực hiện chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Cả hai yêu cầu này đều cần nguồn lực lớn, thay đổi quy trình và tư duy.
Dù đã có thành tựu nhất định, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về chi phí, đào tạo nhân lực và đồng bộ hóa công nghệ với các mục tiêu bảo vệ môi trường.
Thách thức về tài chính và nhân lực
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Saigontourist đã áp dụng chuyển đổi số từ lâu bằng cách triển khai các nền tảng đặt tour trực tuyến, xây dựng website và ứng dụng di động giúp khách hàng dễ dàng lên kế hoạch du lịch, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng qua công nghệ tự động hóa, hỗ trợ tư vấn 24/7.
Các công ty du lịch tại TP.HCM đẩy mạng chuyển đổi số
Song, khi muốn thực hiện chuyển đổi xanh, Saigontourist gặp phải một số khó khăn trong việc khuyến khích du khách tham gia các tour sinh thái, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, và thay thế các phương tiện di chuyển truyền thống bằng phương tiện thân thiện với môi trường. Việc áp dụng xe điện hoặc các phương tiện giao thông công cộng xanh cho các tour vẫn gặp phải hạn chế về cơ sở hạ tầng và chi phí đầu tư cao.
Tương tự, Vietravel cũng đã thành công trong việc chuyển đổi số khi ứng dụng công nghệ quản lý tour để phân tích hành vi khách hàng và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa.
Tuy nhiên, trong việc chuyển đổi xanh, Vietravel đang gặp khó khăn. Bởi chuyển đổi xanh đòi hỏi họ phải đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời phải thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, điều này cần thời gian và chi phí lớn.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng Giám đốc Vietravel, cho rằng việc đồng thời thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp du lịch.
Đầu tiên, chi phí đầu tư cao cho công nghệ thân thiện với môi trường, cơ sở vật chất xanh và nâng cấp hệ thống CNTT là rào cản lớn. Đồng thời, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng kết hợp công nghệ số và giải pháp xanh khiến việc triển khai khó khăn.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với áp lực tài chính khi phải cân đối ngân sách để đầu tư cho cả hai chuyển đổi. Bên cạnh đó, cả chuyển đổi xanh và số đều yêu cầu thời gian dài để đạt hiệu quả, trong khi nhiều doanh nghiệp lại cần kết quả nhanh chóng để duy trì hoạt động”, bà Hoàng chia sẻ.
Một số chủ doanh nghiệp du lịch nhận định cần thời gian và chi phí lớn khi thực hiện “chuyển đổi kép”
Cụ thể hơn, bà Hoàng còn chỉ ra cụ thể những khó khăn của chuyển đổi “xanh - số”. Trong chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp du lịch phải đối mặt với việc thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể và hiệu quả, khiến họ phải tự tìm giải pháp. Đồng thời, hiện vẫn đang thiếu các cơ chế khuyến khích tài chính như giảm thuế hay vay ưu đãi cho dự án xanh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện và cơ sở hạ tầng xanh, cũng như xây dựng sản phẩm du lịch xanh, làm tăng chi phí vận hành và khó bán tour. Nguyên nhân một phần là do giá tour cao và một phần là do nhận thức của khách hàng. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng chưa đồng bộ vì nhiều nhà cung cấp chưa đáp ứng tiêu chí xanh.
Còn trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp gặp khó khăn vì chi phí đầu tư công nghệ cao và phức tạp, đặc biệt là các nền tảng như: OTA, CRM, ERP, AI, Big Data, trong khi họ lại thiếu đội ngũ kỹ thuật nội bộ mạnh. Dữ liệu phân tán và thiếu chuẩn hóa cũng khiến việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu gặp trở ngại.
"Tâm lý ngại chia sẻ dữ liệu giữa các đối tác và việc thay đổi thói quen của khách hàng, đặc biệt là phân khúc cao tuổi, gây khó khăn trong việc xây dựng hệ sinh thái số. Doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào marketing, dẫn đến chi phí cao", bà Hoàng thông tin.
Nhìn chung, theo bà Hoàng, kết hợp chuyển đổi xanh và số gặp khó khăn do xung đột ưu tiên giữa mục tiêu bền vững dài hạn và gia tăng doanh thu ngắn hạn, khiến doanh nghiệp khó cân đối ngân sách và nguồn lực. Thêm vào đó, thiếu sự liên kết giữa các chiến lược khi doanh nghiệp triển khai chúng độc lập, ví dụ như xây dựng sản phẩm du lịch xanh mà không sử dụng công nghệ số để quảng bá. Cuối cùng, rủi ro công nghệ và môi trường xuất hiện khi các giải pháp số không tương thích với các mục tiêu xanh, hoặc công nghệ mới có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường.
“Mặc dù chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đều quan trọng, nhưng để thành công, doanh nghiệp cần có cam kết mạnh mẽ về chiến lược, nguồn lực và sự hỗ trợ từ nhiều phía”, bà Hoàng nhấn mạnh.
"Số chưa qua, xanh đã tới" là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt, khi họ đang phải vừa cập nhật công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng qua nền tảng số, vừa phải thay đổi phương thức kinh doanh theo tiêu chí bảo vệ môi trường.
Sự đan xen giữa hai xu hướng này không chỉ đặt ra thách thức về tài chính và nhân lực, mà còn là một bài toán khó về chiến lược phát triển lâu dài, khi các doanh nghiệp còn chưa hoàn tất bước chuyển đổi số nhưng đã phải nhìn nhận nghiêm túc về yêu cầu bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Du Lịch Việt, cho biết chuyển đổi số và du lịch xanh đang là hai xu hướng trọng tâm được nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam triển khai. Cả hai đều nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, thích ứng với thay đổi trong thói quen du lịch và hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi số giúp Công ty Du lịch Việt thu hút khách
Tuy nhiên, ông Vũ nhấn mạnh rằng chi phí đầu tư cho chuyển đổi số khá cao. Việc áp dụng công nghệ mới để quản lý khách hàng và tự động hóa quy trình đòi hỏi nguồn lực lớn, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp vừa trải qua dịch bệnh và biến động kinh tế, tạo ra không ít thách thức.
Mặt khác, vị Phó Tổng giám đốc Du Lịch Việt, cho biết chính phủ đã có nhiều định hướng phát triển du lịch xanh. Hiện nay, nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách quốc tế, ưa chuộng các tour du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Khách “trải nghiệm” các điểm đến ở Quảng Bình qua thực tế ảo
Ông nhận định, với danh thắng tự nhiên và văn hóa phong phú, Việt Nam rất phù hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội lớn mà các doanh nghiệp muốn nắm bắt.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thách thức nằm ở việc đầu tư hạ tầng và xây dựng các sản phẩm xanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động.
“Những điều này dẫn đến cần chi phí đầu tư lớn bên cạnh việc doanh thu và lợi nhuận chưa thể đến ngay, hình thành nhiều nguyên nhân cản trở việc phát triển du lịch xanh ở nhiều doanh nghiệp”, ông Vũ nói.
Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hiểu rằng du lịch xanh tạo ra mô hình kinh doanh bền vững, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới và mang lại lợi ích dài hạn. Vì vậy, cần chiến lược dài hạn, kết hợp nguồn hỗ trợ từ nhà nước, đầu tư vào nhân lực, hợp tác với địa phương và ứng dụng công nghệ để tối ưu quản lý quy trình.
Thách thức và cơ hội khi chuyển đổi số - xanh
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Quang Trung, Giám đốc Công ty du lịch Thiên nhiên Việt, đánh giá vấn đề "số chưa qua, xanh đã tới" ở các khu du lịch có thể đem lại cơ hội phát triển nhưng cũng kèm theo thách thức lớn.
Cơ hội là các khu du lịch có thể thu hút được nhóm khách hàng mới, quan tâm đến bảo vệ môi trường và công nghệ. Tuy nhiên, thách thức là việc thiếu chuẩn bị về hạ tầng, quản lý, và đào tạo nhân lực, khiến việc thực hiện không hiệu quả.
“Trong doanh nghiệp lữ hành, việc chú trọng chuyển đổi số hay du lịch xanh không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu thiết yếu. Khách hàng hiện nay mong muốn trải nghiệm du lịch tiện lợi, an toàn qua các nền tảng kỹ thuật số, đồng thời có xu hướng lựa chọn các tour du lịch bảo vệ môi trường, bền vững.
Các khu du lịch chuyển đổi số và xanh là cần phải xây dựng một chiến lược toàn diện, kết hợp hài hòa giữa công nghệ và bảo vệ thiên nhiên, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ nhân sự, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch”, ông Huỳnh Quang Trung chia sẻ.
Hoạt động du lịch "xanh - số" đan xen vào nhau
Thực hiện Chủ đề năm 2024 của Thành phố “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, chuyển đổi số được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và là động lực chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Song song đó, Du lịch xanh sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế xanh, giúp tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu đạt Net Zero (khí thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Vừa qua, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024), đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai”. Diễn đàn nhằm thảo luận và đề xuất các biện pháp tăng cường chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển Net Zero cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Cần có chính sách và nguồn lực tài chính hỗ trợ
Khi các doanh nghiệp chưa kịp hoàn thành chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình và trải nghiệm khách hàng, họ lại phải đẩy nhanh các sáng kiến xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách và chính sách bảo vệ môi trường. Đây là một thử thách lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đầu tư về tài chính mà còn phải thay đổi tư duy và chiến lược phát triển để có thể vừa chuyển đổi số, vừa thực hiện chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và hiệu quả.
Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) xác định rằng chuyển đổi số - xanh là hai trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của công ty. Về chuyển đổi số, công ty đã đầu tư vào hệ thống quản lý sản xuất, quản lý bán hàng bằng phần mềm hiện đại, triển khai theo dõi truy xuất nguồn gốc và phát triển các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
VIETNIPA tập trung xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường
Còn về chuyển đổi xanh, VIETNIPA tập trung xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như ISO 22000, HACCP, cũng như Tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (Mỹ, Châu Âu và Nhật).
Các sản phẩm từ mật dừa nước
“Đồng thời, công ty cũng xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm và học tập gắn liền với bảo vệ hệ sinh thái dừa nước, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích phát triển du lịch bền vững”, ông Tiến nói.
Thu hoạch mật dừa nước
VIETNIPA không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm qua ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại và đạt các tiêu chuẩn quốc tế mà còn cam kết minh bạch quy trình sản xuất cho du khách tham quan. Một trong những yếu tố nổi bật là việc khai thác bền vững mật dừa nước theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên.
Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái của VIETNIPA, như: hướng dẫn thu hoạch và massage với mật dừa nước, và giới thiệu văn hóa địa phương giúp du khách không chỉ được tận hưởng những trải nghiệm mới lạ mà còn nâng cao ý thức về bảo tồn môi trường và giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Hướng dẫn thu hoạch và massage với mật dừa nước
Theo ông Phan Minh Tiến những khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu và nguồn nhân lực. “Tuy nhiên, hai yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch vì chuyển đổi số giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng tính cạnh tranh, còn chuyển đổi xanh tạo ra giá trị lâu dài, thu hút những khách hàng yêu thích du lịch bền vững”, ông Tiến đưa ra ý kiến.
Bà Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt - chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nhận định “chuyển đổi xanh” là một yêu cầu cấp thiết do tình trạng cạn kiệt tài nguyên và gia tăng phát thải khí nhà kính, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu. Đây là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự chuyển đổi trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Bà Trần Hương Giang – Giám đốc chuyên môn - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt,
“Mối quan hệ giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là phức tạp. Chuyển đổi số có thể hỗ trợ chuyển đổi xanh thông qua việc số hóa thông tin, ứng dụng công nghệ điện tử, và phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu hơn về tác động của chuyển đổi số đối với phát thải và bảo vệ môi trường”, bà Giang nói.
Hiện nay, TP.HCM đang đẩy mạnh “du lịch xanh”. Song “du lịch số” đã và đang tiếp diễn
“Đồng thời, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là phải duy trì hoạt động hiện tại trong khi đồng thời tiến hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải vừa duy trì mô hình vận hành cũ vừa xây dựng mô hình mới, gây ra gánh nặng về nguồn lực”, bà Giang chia sẻ thêm.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi do hạn chế về nguồn lực. Trong khi đó, doanh nghiệp lớn có lợi thế hơn do có nhiều nguồn lực để đầu tư và chịu được giai đoạn quá độ. Vai trò của Chính phủ và các doanh nghiệp lớn là rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, cần có chính sách và nguồn lực tài chính thích hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này thực hiện chuyển đổi”, bà Giang cho ý kiến.
Cũng theo bà Giang việc huy động nguồn lực tài chính quốc tế để hỗ trợ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh gặp khó khăn do yêu cầu về đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận và nâng cao năng lực quản trị.
"Số chưa qua, xanh đã tới" phản ánh thách thức kép mà các doanh nghiệp du lịch TP.HCM đang phải đối mặt. Dù chuyển đổi số vẫn còn dang dở, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, thì áp lực chuyển đổi xanh đã nhanh chóng đặt ra những yêu cầu cấp bách.
Tuy nhiên, đây không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ khi kết hợp hài hòa giữa công nghệ số và các giải pháp xanh, du lịch TP.HCM mới có thể phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của du khách hiện đại và hướng tới tương lai thịnh vượng.
Hà Sang