- PV: Theo Phó Cục trưởng, việc số hóa dữ liệu hộ tịch góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý hành chính ra sao?
- Ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục hành chính Tư pháp – Bộ Tư pháp: Số hóa dữ liệu hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý hành chính, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đó là:
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước: Dữ liệu hộ tịch được số hóa lưu trữ và cập nhật chính xác, giúp cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi, tra cứu và tổng hợp thông tin góp phần xây dựng chính sách phù hợp.
Tiết kiệm thời gian và chi phí: Nhờ việc số hóa dữ liệu hộ tịch, người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin hộ tịch của mình trên môi trường điện tử, thực hiện các thủ tục trực tuyến mà không cần đến trực tiếp cơ quan đăng ký hộ tịch, qua đó quy trình thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa, rút ngắn góp phần giảm tải áp lực cho công chức.
Tăng tính minh bạch và bảo mật: Số hóa dữ liệu hộ tịch góp phần kiểm soát chặt chẽ quá trình thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch; giảm nguy cơ gian lận, làm giả giấy tờ hộ tịch, mặt khác dữ liệu số hóa trên hệ thống có thể được bảo vệ bằng các biện pháp an ninh mạng tiên tiến, tránh thất thoát hoặc truy cập dữ liệu trái phép.
Liên thông với các cơ sở dữ liệu khác: Cơ sở dữ liệu hộ tịch có thể liên thông với các cơ sở dữ liệu khác như: dân cư, bảo hiểm, y tế, giáo dục, thuế… giúp việc cơ quan nhà nước giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng và thuận tiện hơn; góp phần xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục hành chính Tư pháp – Bộ Tư pháp
- Trong quá trình thực hiện số hóa sổ hộ tịch, ngành tư pháp đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bộ Tư pháp đã đề xuất, triển khai những giải pháp nào để tháo gỡ?
- Hiện tại, về cơ bản các địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch, Bộ Tư pháp đã tổng hợp một số khó khăn trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, về các khó khăn, một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ số hóa, còn nhầm lẫn giữa số hóa sổ hộ tịch với nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền CSDLQGVDC;
Chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng, đối với các địa phương triển khai thực hiện số hóa bằng phương pháp giao cho công chức làm công tác hộ tịch tự thực hiện nhập dữ liệu, do công chức tư pháp - hộ tịch, vừa phải làm công việc chuyên môn, vừa thực hiện số hóa nên quá tải, không bảo đảm được tiến độ công việc, chưa kể về kỹ thuật và tâm lý, việc vừa nhập dữ liệu, vừa tự kiểm tra sẽ không bảo đảm được độ chính xác, khách quan của dữ liệu được số hóa.
Tại UBND cấp xã, nhất là ở những địa phương kinh tế khó khăn thì công chức tư pháp - hộ tịch chưa được bố trí máy tính riêng để làm việc, đường truyền mạng cũng không ổn định dẫn đến việc số hóa dữ liệu hộ tịch gặp nhiều khó khăn.
Chưa có phương án hiệu quả để kiểm tra độ chính xác sau khi nhập dữ liệu của công chức tư pháp - hộ tịch; Phần mềm/công cụ phục vụ việc số hóa vẫn chưa hoàn thiện;
Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng do nhiều yếu tố (do không có kho lưu trữ riêng biệt, bị côn trùng cắn, một số địa phương bị lũ lụt,...).
Về giải pháp, với Trung ương: Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch;
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch; Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ số hóa, kịp thời giải đáp các vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện sổ hóa, đặc biệt cần lập nhóm hỗ trợ và cử cán bộ kĩ thuật trực tiếp hỗ trợ địa phương giải quyết vướng mắc trong quá trình số hóa.
Bên cạnh đó, các địa phương phải nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ số hóa là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Chủ động rà soát, thống kê, đánh giá tình trạng Sổ hộ tịch và số lượng dữ liệu hộ tịch tương ứng cần số hóa, sẵn sàng phối hợp với cơ quan công an triển khai việc nhập dữ liệu hộ tịch; chú trọng việc phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thống nhất của dữ liệu trong CSDLHTĐT, CSDLQGVDC theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Bộ Công an, không để tình trạng dữ liệu không đầy đủ, thiếu chính xác, không đồng bộ;
Bố trí ngân sách phù hợp, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trang bị máy móc để bảo đảm thực hiện việc số hóa; kiện toàn chất lượng đội ngũ công chức làm công tác đăng ký quản lý hộ tịch; tính toán thời gian, phương án kỹ thuật thực hiện số hóa, tránh gây quá tải đối với công chức tư pháp - hộ tịch cũng như khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của địa phương dẫn đến dữ liệu không bảo đảm chính xác.
- Để đạt kết quả như mong muốn, trong quá triển khai số hóa sổ hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan thế nào, đặc biệt là với các đơn vị công an?
- Thực hiện nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch lịch sử theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhận thức được tầm quan trọng của việc số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử, đến nay về cơ bản, các địa phương đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch.
Để đạt được kết quả nêu trên là sự phối hợp thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, cơ quan có liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc của cơ quan công an với tư cách là cơ quan trường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh. Ngay từ khi bắt đầu triển khai số hóa, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Tư pháp, Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông), UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ, có giải pháp, sáng kiến thích hợp để bảo đảm hoàn thành số hóa sổ hộ tịch hiệu quả, đúng kế hoạch. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn (Cục Hành chính tư pháp, Cục Công nghệ thông tin) ban hành các văn bản giải đáp vướng mắc cụ thể của địa phương trong quá trình thực hiện số hóa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải tiến phần mềm. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí kinh phí, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trang bị máy móc, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành có liên quan đẩy nhanh việc số hóa sổ hộ tịch.
Đối với việc phối hợp với cơ quan công an, nhằm hỗ trợ các địa phương chưa có điều kiện triển khai số hóa sổ hộ tịch thực hiện việc nhập dữ liệu từ sổ hộ tịch trên nền CSDLQGVDC, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã thống nhất Quy trình nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền CSDLQGVDC (Quy trình số 1292/HTQTCT-QLHC ngày 20/12/2022). Quy trình này hỗ trợ việc nhập dữ liệu từ sổ hộ tịch để đối chiếu, rà soát, làm sạch dữ liệu trong CSDLQGVDC theo yêu cầu của Đề án 06.
Khi triển khai số hóa sổ hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan liên quan, trong đó có các đơn vị công an
- Được biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh là Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ông đánh giá thế nào về nhận định “số hóa sổ hộ tịch là bước tiến lớn trong cải cách hành chính, là điểm nhấn không thể thiếu trong xây dựng chính phủ điện tử”?
- Số hóa sổ hộ tịch giúp hiện đại hóa quản lý dân cư, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tăng tính minh bạch và hiệu quả trong hành chính công. Khi dữ liệu hộ tịch được số hóa và liên thông với các cơ sở dữ liệu khác, công dân có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây là một bước quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và hướng tới chuyển đổi số toàn diện.
Số hóa sổ hộ tịch không chỉ giúp hiện đại hóa quản lý hành chính mà còn mang lại nhiều lợi ích quan trọng như tăng cường tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí, liên thông dữ liệu. Đây là một trong những bước đi quan trọng giúp xây dựng một nền hành chính hiện đại, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Kết quả số hóa dữ liệu hộ tịch là cơ sở để triển khai thực hiện việc tra cứu dữ liệu về tình trạng hôn nhân (TTHN) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn; thực hiện liên thông đăng ký kết hôn – xác nhận tình trạng hôn nhân…; thực hiện việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người dân không phụ thuộc vào nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của công dân, và tiến tới phục vụ nhiều thủ tục hành chính khác có yêu cầu cung cấp giấy tờ hộ tịch khi Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh/Bộ, ngành thực hiện được việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDLHTĐT.
- Nhằm khai thác có hiệu quả dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh cần thực hiện các giải pháp gì?
- Trong thời gian tới, để bảo đảm khai thác có hiệu quả dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí hạ tầng đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông dữ liệu; chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng ký hộ tịch của công dân đã được cập nhật trong CSDLHTĐT sang Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, hạn chế tình trạng công chức làm công tác hộ tịch phải nhập hồ sơ nhiều lần;
Bên cạnh đó, việc cho phép khai thác dữ liệu đã số hóa trong Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử để các địa phương có thể tra cứu dữ liệu hộ tịch để cắt giảm giấy tờ nhằm đơn giản hóa TTHC, trước mắt cơ quan đăng ký hộ tịch có thể chủ động tra cứu dữ liệu hộ tịch để thực hiện thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú và thủ tục đăng ký kết hôn (không phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân) theo quy định tại Nghị định số 07/2025/NĐ-CP về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và các thủ tục hành chính khác trong lĩnh vực hộ tịch.
Để thực hiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch thành công, nhiều cán bộ tư pháp hộ tịch đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm
- Theo ông, việc số hóa sổ hộ tịch đã cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ra sao?
- Có thể nói, việc số hóa sổ hộ tịch là một bước quan trọng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, vì muốn hiện đại hóa, muốn sử dụng công nghệ công tin thì phải có dữ liệu điện tử. Điều này thể hiện ở một số nội dung sau:
Số hóa sổ hộ tịch góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước: Số hóa sổ hộ tịch giúp đồng bộ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC, góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, góp phần xây dựng chính phủ số theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW; đồng thời tăng tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý nhà nước về hộ tịch, giúp người dân dễ dàng tra cứu, chỉnh sửa, bổ sung thông tin mà không cần qua nhiều cấp trung gian.
Kết quả số hóa dữ liệu hộ tịch góp phần ứng dụng công nghệ vào quản trị xã hội, dữ liệu đã số hóa có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để xử lý, lưu trữ qua đó có thể khai thác dễ dàng thông tin hộ tịch, tránh tình trạng giả mạo giấy tờ hộ tịch.
Dữ liệu hộ tịch sau khi đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần kết nối liên thông dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng cho các dịch vụ công trực tuyến như cấp Thẻ căn cước công dân, đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử...Qua đó góp phần thay đổi cách quản lý truyền thống sang quản lý thông minh, tự động hóa, nâng cao hiệu suất làm việc của công chức làm công tác hộ tịch.
- Xin cảm ơn Ông về nội dung trao đổi này!
Huệ Anh