Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tốc độ tăng quy mô đào tạo tiến sĩ trong giai đoạn gần đây không ổn định, có những thời điểm giảm. Việc mở rộng quy mô đào tạo của một số cơ sở chưa tương xứng với năng lực và điều kiện bảo đảm chất lượng. Công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực đặc thù, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn.
Bàn luận về vấn đề này, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học bày tỏ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong đào tạo tiến sĩ.
Với yêu cầu ngoại ngữ hiện nay, ứng viên đủ điều kiện sẽ ưu tiên học tập ở nước ngoài
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngà - Phó Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, trường đang đào tạo 7 ngành bậc tiến sĩ, gồm: Cơ kỹ thuật, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí, Giáo dục học, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật điện tử và Kỹ thuật xây dựng.
Tình hình tuyển sinh đào tạo tiến sĩ của trường những năm trước 2022 khá thấp. Nhưng từ năm 2022 đến nay, tình hình tuyển sinh đào tạo tiến sĩ có chiều hướng gia tăng đáng kể.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngà - Phó Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.
Theo cô Ngà, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba cơ sở đào tạo có số lượng phòng thí nghiệm, xưởng thực tập phục vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ nhiều nhất trong cả nước, chỉ sau Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ trong đó quy định rõ ràng, minh bạch và thực tế hơn trong triển khai tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ. Dù vậy, số lượng tuyển sinh các ngành kỹ thuật chưa cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngà bày tỏ: "Với yêu cầu ngoại ngữ như hiện nay, nhiều ứng viên có đủ điều kiện sẽ ưu tiên chọn lựa học tập ở nước ngoài vì cho rằng có điều kiện nghiên cứu tốt và có thể xin học bổng.
Chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ tại trường dù đã được khẳng định, tuy nhiên, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn thường không cao. Điều này đến từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Nguyên nhân hàng đầu phải kể đến, là do nghiên cứu sinh trong nước không thể tập trung toàn thời gian và sức lực cho việc nghiên cứu. Mặc dù đào tạo tập trung, nhưng nghiên cứu sinh vẫn phải tranh thủ đi làm, để có thêm thu nhập để tự trang trải kinh phí nghiên cứu".
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Cao Thị Châu Thùy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 năm qua, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển và trúng tuyển nghiên cứu sinh tại nhà trường tăng dần theo các năm. Cụ thể: Năm 2022 có 88 nghiên cứu sinh, năm 2023 tăng lên 129 nghiên cứu sinh và dự kiến năm 2024 có 140 nghiên cứu sinh. Điều này cho thấy nhu cầu người học tiến sĩ ngày càng tăng.
Tiến sĩ Cao Thị Châu Thùy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Cao Thị Châu Thùy cũng chia sẻ: “Các ngành đặc thù chưa đảm bảo được chỉ tiêu như mong đợi như ngành Khảo cổ học, Văn học Việt Nam, Lịch sử thế giới, Khoa học thư viện…
Việc cơ sở giáo dục đại học công lập duy trì đào tạo các ngành để tuyển sinh theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT gặp khó vì một số giáo sư, phó giáo sư về hưu vì hết tuổi lao động”.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phan Đức Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho hay, công tác tuyển sinh của nhà trường trong những năm gần đây rất tích cực, đạt cả về số lượng và chất lượng đầu vào.
Tỉ lệ đăng ký, trúng tuyển và nhập học ở tất cả các trình độ đào tạo đều tốt, đặc biệt ở là ở trình độ đại học và thạc sĩ. Đối với công tác tuyển sinh tiến sĩ trong 3 năm gần đây, số lượng tuyển sinh tăng qua từng năm và phủ khá đều ở các ngành đào tạo của trường.
Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu sinh theo học tại trường vẫn còn khá khiêm tốn, chiếm 20-40% (tùy theo từng ngành) so với năng lực và điều kiện bảo đảm chất lượng của trường.
Tiến sĩ Phan Đức Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC.
Lý giải về nguyên nhân số lượng nghiên cứu sinh của trường còn ít, thầy Tuấn cho biết, nhiều người gặp khó khăn trong việc đáp ứng chuẩn ngoại ngữ để xét tuyển đầu vào.
“Một số ứng viên mới chỉ đạt bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam hoặc tương đương, tức chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào trình độ tiến sĩ (bậc 4/6)” - thầy Tuấn bày tỏ.
Muốn chất lượng đào tạo tiến sĩ tốt cần nhiều sự đầu tư
Theo Tiến sĩ Phan Đức Tuấn, để có được các công trình khoa học đột phá, có tính ứng dụng cao thì cần đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, tài chính đến các cơ chế chính sách cùng với việc sử dụng, kế thừa các thành tựu khoa học công nghệ. Trong đó, trước tiên cần có các chính sách hỗ trợ cho đào tạo tiến sĩ, nhất là các ngành khoa học cơ bản.
Một cơ sở giáo dục có đội ngũ giảng viên trình độ cao đông đảo cũng như điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu tốt sẽ giúp cho người học có cơ hội học tập, nghiên cứu tốt hơn.
Trong xu thế tự chủ và cạnh tranh, cơ sở giáo dục đại học có quyền mở ngành khi đủ điều kiện và cơ quan quản lý hậu kiểm, giám sát thậm chí đóng ngành khi không còn đáp ứng được các điều kiện về đào tạo và nghiên cứu.
Để công tác tuyển sinh trình độ tiến sĩ được khởi sắc cả về số lượng lẫn chất lượng, thầy Tuấn đề xuất rằng: “Cần có chính sách hỗ trợ học phí cho nghiên cứu sinh vì đây là nguồn lực chất lượng cao cho xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở có đào tạo sau đại học, nhất là các cơ sở đào tạo các ngành khoa học cơ bản.
Cùng với đó, nên có cơ chế ưu tiên đề tài khoa học, các chương trình dự án lớn đối với các cơ sở có đào tạo sau đại học và chính sách đãi ngộ, trọng dụng những người có trình độ tiến sĩ, với chế độ phụ cấp đặc thù”.
Lễ khai giảng các lớp cao học khóa 49 và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC.
Còn cô Cao Thị Châu Thùy bày tỏ, chất lượng đào tạo tiến sĩ bị ảnh hưởng, tác động của nhiều yếu tố như chất lượng đầu vào của người học, người hướng dẫn, các quy định, tiêu chí kiểm soát hoạt động đào tạo.
“Để nâng cao công tác tuyển sinh trình độ tiến sĩ, các trường cần tăng cường, nâng cao đội ngũ chuyên môn về giảng dạy và hướng dẫn luận án, chủ động mở các ngành đào tạo mới tính liên ngành cao để đáp ứng nhu cầu xã hội theo xu hướng phát triển của thế giới.
Các trường cũng cần có các cơ chế để khuyến khích người học nghiên cứu công bố khoa học trên các tạp chí có uy tín.
Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp có nhu cầu nâng cao trình độ đội ngũ công chức viên chức cần có kế hoạch đào tạo và đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục có uy tín để có được đội ngũ chất lượng cao”, cô Châu chia sẻ.
Theo cô Võ Thị Ngà, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong từng giai đoạn cụ thể.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng từ các chính sách đến việc triển khai các giải pháp cụ thể được thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ, việc thông tin đến rộng rãi đối tượng liên quan cần được quan tâm làm tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đầu tư các dự án phục vụ khuyến khích, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng còn dàn trải nhiều đơn vị thụ hưởng, dẫn đến khó tạo bước đột phá.
Chất lượng đào tạo tiến sĩ không chỉ phụ thuộc vào các cơ sở giáo dục mà còn phụ thuộc năng lực, quyết tâm của nghiên cứu sinh, phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ từ xã hội để nghiên cứu sinh thật sự tập trung toàn tâm toàn ý cho đề tài nghiên cứu.
Vì lẽ đó, cô Ngà có đề xuất một số giải pháp để tăng cường số lượng và chất lượng đào tạo tiến sĩ:
Một là, từ tầm nhìn, sứ mạng, và thế mạnh nội lực của cơ sở đào tạo, xác định đào tạo tiến sĩ theo hướng nghiên cứu hàn lâm (Academic Doctorate) hay theo hướng nghiên cứu nghề nghiệp (Professional Doctorate hay Vocational Doctorate).
Việc xác định này giúp thu hút tuyển sinh đúng đối tượng, xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp nghiên cứu giữa cơ sở đào tạo/ doanh nghiệp nhằm đáp ứng đúng nhu cầu.
Hai là, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở đào tạo để thực hiện các nghiên cứu và tham gia đào tạo sau đại học. Đặc thù của đào tạo sau đại học là nghiên cứu chuyên sâu, nên việc đào tạo sau đại học cần gắn kết với các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục là giải pháp căn cơ cho vấn đề phát triển sau đại học. Một nhóm nghiên cứu mạnh gồm có trưởng nhóm vạch định hướng chính, các thành viên theo các nhánh nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh, cùng với học viên cao học và sinh viên đại học.
Việc sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh được làm việc trong nhóm nghiên cứu mạnh với đầy đủ các điều kiện về chuyên môn, phương tiện làm việc, tài nguyên dữ liệu và trang thiết bị là một điều kiện tốt nhất cho người học.
Trong hệ sinh thái nghiên cứu khoa học chất lượng như vậy, người học được nâng cao một cách toàn diện về mặt kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm và kinh nghiệm tổ chức, quản lý và triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu mạnh còn có thể có cộng tác viên hoặc hình thức hợp tác phù hợp khác với các nhà khoa học có uy tín cùng hướng nghiên cứu trong nước và ngoài nước, sẽ gia tăng cơ hội học tập, nghiên cứu và trải nghiệm của người học.
Ba là, xây dựng các chính sách tăng nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ cũng như hỗ trợ người học. Ưu tiên nguồn kinh phí từ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có sản phẩm đào tạo nghiên cứu sinh.
Thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo nhu cầu doanh nghiệp, đẩy mạnh khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Bốn là, đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ tiến sĩ với các cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng ở ngoài nước từ đó rút ngắn khoảng cách về chất lượng.
"Với các ngành công nghệ cao, mũi nhọn thì chi phí đầu tư các phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu sinh là quá sức với các trường, hơn nữa các công nghệ này thường có vòng đời khá ngắn. Vì vậy, để tránh lãng phí, đầu tư dàn trải, Chính phủ nên đầu tư tập trung tại một số ít trung tâm mạnh và có cơ chế đầu tư nhanh, khai thác dùng chung để phát huy hiệu quả" - nữ tiến sĩ chia sẻ.
Trần Trang