Số mô, tạng hiến từ người chết não có xu hướng tăng

Số mô, tạng hiến từ người chết não có xu hướng tăng
3 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm tại nước ta có 10 - 11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến mô, tạng.
Tính đến tháng 9/2024, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024 có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5 - 6%.
Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Đồng Văn Hệ cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.
Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.
Chính vì vậy, theo ông Đồng Văn Hệ, việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó.
Được biết, trong công tác hiến ghép tạng ở Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, như điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép. Ngoài ra, nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế cho ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi phí.
Trước thực tế đó, các chuyên gia y tế cho rằng, tới đây, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần được sửa đổi để sớm có hành lang pháp lý, tạo điều kiện triển khai ngày càng nhiều ca ghép tạng, cứu sống thêm nhiều người bệnh.
Hiện nay, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%. Nhu cầu ghép tạng rất lớn, tuy nhiên, còn rất ít người đăng ký hiến tặng mô tạng sau chết não.
Được biết, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể thực hiện khoảng 200-300 ca ghép tạng. Ngoài ra, tại Bệnh viện cũng có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não mỗi năm, đây là con số rất lớn.
Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác. Trong tương lai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng sẽ triển khai thực hiện các kỹ thuật ghép tạng mới như ghép tụy, khối tim - phổi, ghép van tim...
Nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Thế giới có dân số khoảng 7,6 tỷ người, hàng năm có 59 triệu người chết do mọi nguyên nhân, nhu cầu cần có ít nhất là 1triệu người hiến tạng /1 năm, năm 2023 có 39.357 người hiến tạng (đạt 3,9%) và có 164.840 người bệnh được ghép tạng.
Ở Việt Nam ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, đạt (0,1 người/1 triệu dân), trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân.
Nhiều nước, ở Âu Mỹ, luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lý do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký.
Ngoài quy định hiến tạng sau chết não, luật còn quy định hiến tạng sau chết tim và tuổi hiến tạng của nhiều nước là trên 60 tuổi, có nhiều trường hợp hiến tạng trên 80 tuổi (Việt Nam luật quy định dưới 60 tuổi). Vì thế số người hiến tạng sau chết não ở các nước Âu Mỹ là rất cao.
Tại sao chúng ta nên đăng ký hiến tạng với trách nhiệm và hơn hết là lòng trắc ẩn đối với cộng đồng. Bởi vì thật là lãng phí khi hàng ngày, chúng ta vẫn vùi chôn vào lòng đất hoặc thiêu đốt thành tro bụi nguồn mô tạng quý giá.
Khi hiến tặng mô, tạng gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thuơng, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng.
Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, chắc họ cũng hài long và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo.
Nhiều người trong chúng ta ngồi đây đã đăng ký hiến tạng cách đây khoảng 5 - 10 năm. Ở thời điểm đó, chúng ta có thể nhận thức rằng quy luật sinh lão bệnh tử, quy luật bảo toàn năng lượng vật chất: Năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Đến một ngày nào đó chúng ta sẽ từ giã cõi đời, cơ thể sẽ trở thành cát bụi nhưng năng lượng tâm thức của chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc vì sự ra đi của mình hy vọng có thể cứu sống được nhiều người khác và chúng ta mỉm cười để tiếp tục hành trình khám phá một cõi giới khác.
Mặt khác, khi có nhiều mgười hiến tạng sau khi qua đời, tăng thêm nguồn tạng cứu người thì đồng thời cũng góp phần hạn chế tình trạng buôn bán tạng trái phép, làm khổ đau về thể xác và tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh - phải bán nội tạng quý giá của mình vì mưu sinh của cuộc sống.
Về hiệu quả tài chính theo Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến, như trường hợp ghép thận, chi phí cho 1 ca ghép thận để người bệnh kéo dài tuổi thọ với chất lượng sống tốt hơn thì chỉ bằng 1/4 chi phí để lọc máu và điều trị cho các nguyên nhân suy thận.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, để tăng nguồn tạng từ người cho chết não, chúng ta có 3 giải pháp đồng bộ từ cộng đồng, bệnh viện và thể chế từ Chính phủ, bộ, ban, ngành.
Thứ nhất, đối với cộng đồng, cần đẩy mạnh truyền thông sâu rộng với sự phối hợp liên ngành các tổ chức của Mặt trận tổ quốc, cơ quan ban ngành.
Vối với hệ thống các bệnh viện hiến và ghép tạng, trước mắt cần thành lập các chi hội vận động hiến mô tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não để có sự đồng ý hiến tạng từ phía gia đình người bệnh.
Thứ ba, đối với Chính phủ và Bộ Y tế, chúng tôi mong muốn Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác sớm được sửa đổi phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có cơ chế tài chính, chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ cho nhiều người có cơ hội được cứu sống, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chính phủ cũng nên quy định nguồn tạng từ người hiến tặng là tài sản quốc gia như một số nước đã quy định. Hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Bà Tiến cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ đề án “tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô tạng của Việt Nam” để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng.
Đồng thời với tăng cường nguồn hiến tặng mô tạng để phát triển các kỹ thuật cao trong ghép tạng, Chính phủ và Bộ Y tế đã và đang hạn chế bớt nhu cầu cần ghép tạng bằng các chương trình bao phủ sức khỏe toàn dân, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm trên cộng đồng. Như vậy, chúng ta vừa phát triển cả kỹ thuật chuyên sâu vừa đẩy mạnh y tế cộng đồng.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/so-mo-tang-hien-tu-nguoi-chet-nao-co-xu-huong-tang-d227220.html