Số phận 'chỉ mành treo chuông' của TikTok trên đất Mỹ

Số phận 'chỉ mành treo chuông' của TikTok trên đất Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Diễn biến đáng chú ý trên là kết quả của đạo luật được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua vào tháng 4/2024. Đạo luật này, có tên gọi Luật Bảo vệ người Mỹ, yêu cầu ByteDance có thời hạn đến ngày 19/1/2025 để thoái vốn và bán lại TikTok.
Nếu công ty này không tuân thủ, TikTok sẽ không được phép xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng như App Store hay Google Play tại Mỹ, và người dùng ở Mỹ sẽ không thể cập nhật ứng dụng này.
An ninh quốc gia hay tự do ngôn luận?
Trên danh nghĩa, bằng cách buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok, đạo luật nhằm mục đích tạo điều kiện cho một môi trường cạnh tranh công bằng hơn đối với ngành truyền thông xã hội tại Mỹ. Nhờ đó, các công ty không thuộc sở hữu của nước ngoài có thể phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị quốc tế.
Song trên thực tế, Luật Bảo vệ người Mỹ còn nhằm ngăn chặn khả năng ByteDance, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), có thể thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ. Điều này xuất phát từ tâm lý dè chừng về khả năng của ByteDance trong việc truy cập dữ liệu của hơn 170 triệu người dùng ở nước này.
Giới chức Washington lo ngại những dữ liệu trên, gồm thông tin vị trí và tin nhắn riêng tư của người dùng, có thể được sử dụng cho các hoạt động gián điệp hoặc thao túng thông tin. Bộ Tư pháp Mỹ từng tuyên bố với tư cách là một công ty Trung Quốc, ByteDance có thể bị buộc phải chia sẻ thông tin người dùng với chính phủ Bắc Kinh, tạo ra "mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ sâu sắc và quy mô to lớn".
Tòa án Tối cao Mỹ ngày 10/1 đã tổ chức phiên điều trần kéo dài 2 tiếng rưỡi để xem xét kháng cáo của TikTok và ByteDance liên quan đến Luật Bảo vệ người Mỹ. Phiên điều trần tập trung vào việc đánh giá tính hợp hiến của đạo luật, cụ thể là liệu nó có vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Mỹ, bảo vệ quyền tự do ngôn luận hay không.
Người biểu tình mang biểu ngữ phản đối lệnh cấm TikTok bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh: Getty
Phía TikTok lập luận rằng, Luật Bảo vệ người Mỹ là một hạn chế chưa từng có đối với quyền tự do ngôn luận của người dùng Mỹ, và việc ByteDance bị yêu cầu thoái vốn khỏi TikTok không phải là biện pháp hợp lý để bảo vệ an ninh quốc gia. Công ty cũng đề nghị tạm hoãn đạo luật để có thêm thời gian cân nhắc những tác động lâu dài.
Theo các báo cáo, chưa có quyết định nào được đưa ra ngay sau phiên điều trần ngày 10/1, do Tòa án Tối cao Mỹ vẫn cần thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng giữa quyền bảo vệ an ninh quốc gia và quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các thẩm phán dường như nghiêng về việc ủng hộ luật cấm.
“Phao cứu sinh” từ các đại gia
Nếu lệnh cấm chính thức có hiệu lực, TikTok sẽ bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng như App Store và Google Play Store của Mỹ. Người dùng TikTok ở quốc gia này vẫn có thể truy cập ứng dụng nhưng sẽ không nhận được các bản cập nhật bảo mật và vá lỗi, khiến ứng dụng dần trở nên không thể sử dụng được.
Trước viễn cảnh trên, hãng thông tấn Reuters tiết lộ TikTok có kế hoạch chủ động ngừng hoạt động tại Mỹ vào ngày 19/1, nếu Tòa án Tối cao nước này ủng hộ lệnh cấm.
Trong bối cảnh này, một số DN, nhà đầu tư lớn đã bày tỏ quan tâm đến việc mua lại TikTok, nhằm giúp ứng dụng này có thể tiếp tục hoạt động ở thị trường Mỹ. Project Liberty, một tổ chức do tỷ phú Frank McCourt đứng đầu, đã đưa ra đề nghị chính thức mua lại các tài sản của TikTok tại Mỹ. Tổ chức này từng tuyên bố đã có cam kết bằng miệng về khoản đầu tư lên đến 20 tỷ USD và được hậu thuẫn bởi nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Kevin O'Leary.
Trong khi đó, các nguồn tin từ Bloomberg cho hay ByteDance đang xem xét khả năng bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk như một phương án dự phòng trong trường hợp ứng dụng này không thể vượt qua được lệnh cấm từ chính phủ Washington.
Với kịch bản này, mạng xã hội X sẽ kiểm soát và điều hành hoạt động của TikTok tại Mỹ, và sẽ kết hợp 2 nền tảng với nhau. Điều đó vừa có thể thúc đẩy nỗ lực thu hút nhà quảng cáo của X, vừa tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ mà TikTok tạo ra đối với xAI, công ty trí tuệ nhân tạo của tỷ phú Musk.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tương lai của TikTok là việc ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. Dù từng cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump gần đây đã kêu gọi Tòa án Tối cao Mỹ hoãn việc thi hành Luật Bảo vệ người Mỹ để tìm kiếm "giải pháp chính trị".
Thậm chí, một số nguồn tin tiết lộ Châu Thụ Tư - Giám đốc điều hành của TikTok, đã có buổi gặp riêng với Tổng thống đắc cử Trump tháng 12 năm ngoái, làm dấy lên hy vọng về khả năng can thiệp để “giải cứu” ứng dụng này.
Dù vậy, đến nay chưa có thỏa thuận mua bán nào liên quan đến TikTok được công bố chính thức.
Những “cuộc di cư” gây sửng sốt
Đáng chú ý, trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của Tòa án Tối cao Mỹ, hàng loạt người dùng TikTok ở nước này đã đổ xô đến những ứng dụng thay thế, đặc biệt là các nền tảng của Trung Quốc.
RedNote (hay được gọi là Tiểu Hồng Thư) - ứng dụng được xem như bản sao của Instagram ở đất nước tỷ dân - lần đầu tiên đạt vị trí ứng dụng miễn phí tải về nhiều nhất trên hệ điều hành iOS và lọt vào top 10 trên cửa hàng ứng dụng Google Play Store.
Hashtag "tiktokrefugee" trên RedNote đã thu hút tới hơn 60.000 bài đăng và 51 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn, trong bối cảnh lực lượng người dùng đông đảo từ TikTok đều tự gọi mình là "người tị nạn TikTok" khi bắt đầu sử dụng nền tảng này.
Theo ghi nhận từ Bloomberg, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết với Rednote đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể vào 14/1. Trong số đó, có các công ty thiết kế quảng cáo, các nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị kỹ thuật số và thậm chí cả các thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng với việc giới thiệu sản phẩm của họ trên nền tảng mạng xã hội này. Giao diện thân thiện, tính năng mua sắm tích hợp, và cộng đồng người dùng năng động đã giúp RedNote trở nên hấp dẫn với người dùng Mỹ.
Lemon8, một ứng dụng mạng xã hội khác của Trung Quốc, cũng chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng kể từ khi TikTok đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, lượt tải của Lemon8 trên cả hệ điều hành iOS và Android đã tăng gấp 3 lần đến ngày 13/1/2025, đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng iPhone miễn phí trên cửa hàng ứng dụng App Store ở Mỹ.
Tuy nhiên, do cũng thuộc sở hữu của ByteDance, Lemon8 có thể đối mặt với những lo ngại tương tự như TikTok về an ninh dữ liệu và quyền riêng tư người dùng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quy định nghiêm ngặt của Mỹ được ban hành. Nếu đạo luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok được thông qua, Lemon8 cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định tương tự.
Theo khảo sát của Pew Research Center, chỉ 32% người Mỹ ủng hộ lệnh cấm TikTok. Con số này phản ánh sự chia rẽ giữa mối quan ngại an ninh quốc gia của chính phủ và thói quen sử dụng mạng xã hội của người dân nước này.
Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ trong những ngày tới sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của TikTok tại Mỹ mà còn có thể định hình lại cách thức quản lý các ứng dụng có nguồn gốc từ những quốc gia đối thủ của Washington.
Việt Anh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/so-phan-chi-manh-treo-chuong-cua-tiktok-tren-dat-my.html