Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua khoảng thời gian không mấy suôn sẻ trong lần đầu tiên ông Trump tại nhiệm. Giới quan sát và nhiều quan chức châu Âu lo ngại rằng tình hình có thể chuyển biến theo hướng tệ hơn sau lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Trump tại Đồi Capitol, trong bối cảnh một số quốc gia EU đang phải vật lộn với các vấn đề của riêng họ.
Khi nói đến thương mại và quốc phòng, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có xu hướng hành động giống một doanh nhân hơn là một chính khách coi trọng các liên minh xuyên Đại Tây Dương có từ thời Thế chiến thứ hai.
"Ông ấy đơn giản là không tin vào quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Ông ấy nhìn thế giới qua lăng kính của người thắng và kẻ thua”, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ với BBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại lễ nhậm chức ngày 201/1. Ảnh: Getty
Châu Âu không thể ngồi yên trước sự trở lại của ông Trump
Sự trở lại của ông Trump sau chiến thắng áp đảo hồi tháng 11 khiến các nhà lãnh đạo châu Âu khó lòng ngồi yên, trước bối cảnh tân Tổng thống đường như đã chuyển hướng chú ý từ đối thủ tiềm năng Trung Quốc sang nhóm các nước phương Tây vốn được Mỹ coi là đồng minh. Ông Trump từng nhiều lần công khai chỉ trích EU vì tiếp tục tăng cường viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, để ngỏ khả năng sẽ đưa Mỹ ra khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay khi nhậm chức. Phải biết rằng, Mỹ đóng vai trò là nhà viện trợ chính cho liên minh quân sự này và khoảng trống kinh tế mà Washington để lại sẽ khó lòng được bù đắp, trong bối cảnh chính các quốc gia chủ chốt trong khối như Pháp và Anh cũng đang phải đối mặt với những nan đề tài chính ngay trong chính nội bộ chính phủ của mình.
Rõ ràng ông Trump đã không thấy được lợi ích của Mỹ trong mối quan hệ kinh tế với các nước châu Âu. Ông cho biết sẽ áp dụng mức thuế toàn diện từ 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu nước ngoài, thậm chí mức thuế còn cao hơn đối với một số mặt hàng nhất định như ô tô. Đó là một kịch bản thảm họa đối với Đức, quốc gia phụ thuộc phần lớn vào các lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu ô tô.
Nền kinh tế của nước này đang đứng trước bờ dốc suy thoái, khi liên tục tăng trưởng âm trong hai năm liên tiếp. Là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực đồng Euro, những khó khăn tài chính ở Đức có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của những người bạn láng giềng.
Trong khi đó, Anh đang hy vọng sẽ tránh được đòn thuế quan từ Nhà Trắng nhưng trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU, không có gì đảm bảo London sẽ đứng ngoài cuộc.
Châu Âu chưa kịp phòng thủ
Phong cách lãnh đạo đầy ngẫu hứng của ông Trump không còn làm các đồng minh châu Âu ngạc nhiên sau nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm. Câu đố thực sự dành cho phương Tây hiện nay là: Có bao nhiêu phần trăm trong những lời tuyên bố của ông Trump là đe dọa và bao nhiêu phần trăm là sự thật?
Ông Ian Lesser, Phó Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu German Marshall Fund có trụ sở tại Mỹ, tin rằng lời đe dọa áp thuế của ông Trump là “có thật” và châu Âu “vẫn chưa sẵn sàng” cho viễn cảnh này.
"Họ không chuẩn bị, thực sự không ai chuẩn bị cả. Cách tiếp cận của ông Trump khác biệt rất nhiều với người tiền nhiệm và chắc chắn sẽ làm đảo lộn nhiều nền tảng kinh tế của nhiều quốc gia châu Âu trong vòng 4 năm tới”, ông Lesser nói.
Ủy ban châu Âu tuyên bố sẵn sàng cho bất kỳ động thái nào của ông Trump khi ông trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại trực tiếp giữa Mỹ và EU không phải là viễn cảnh đáng sợ nhất đối với châu Âu.
Theo ông Lesser, châu Âu sẽ chịu tác động kép nếu Nhà Trắng phát động một cuộc chiến thương mại thứ hai với Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho phương Tây, đồng thời buộc Bắc Kinh sẽ bán phá giá nhiều sản phẩm giá rẻ hơn nữa trên thị trường châu Âu, gây bất lợi cho các doanh nghiệp địa phương.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Tổng thống Mỹ gần đây đã để ngỏ khả năng tung đòn kinh tế hoặc quân sự chống lại Đan Mạch, thành viên EU và NATO, nếu nước này không đồng thuận bán Greenland cho Mỹ. Trong khi đó, Phó Tổng thống JD Vance trước đó cũng đưa ra điều kiện bảo vệ châu Âu là các cơ quan quản lý của EU phải rời xa nền tảng xã hội X (trước đó là Twitter). Ông Vance cảnh báo Mỹ có thể ngừng hỗ trợ NATO nếu EU tiếp tục cuộc điều tra lâu dài về X, công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk – Bộ trưởng Bộ Hiệu quả Chính phủ mới của ông Trump.
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty
Châu Âu sẽ làm thế nào?
Nói về nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo của ông Trump, ông Macron cho biết: "Mỹ có hai ưu tiên. Mỹ là ưu tiên hàng đầu, và điều đó là hợp pháp, và vấn đề Trung Quốc là ưu tiên thứ hai. Và vấn đề châu Âu không phải là ưu tiên địa chính trị trong những năm và thập kỷ tới”.
Tuy vậy, có vẻ như Paris vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra, bởi suy cho cùng, ông chủ mới của Nhà Trắng vẫn là một lãnh đạo khó đoán. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng Trump trên mạng xã hội sau khi ông tái đắc cử vào tháng 11. Sau đó, nhà lãnh đạo Điện Elysee cũng nhanh chóng mời tân Tổng thống Mỹ tham dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà tại Paris vào tháng 12 năm ngoái với tư cách khách mời danh dự.
Trong khi đó, Vương quốc Anh biết rằng ông chủ Nhà Trắng có tình cảm đặc biệt với Scotland – quê hương của mẹ ông, bà Mary Anne Trump và với Hoàng gia Anh. Ông Trump rõ ràng rất thích thú khi tham dự một buổi tiệc chiêu đãi cấp nhà nước với Nữ hoàng quá cố Elizabeth II vào năm 2019 và dành nhiều lời khen ngợi cho Hoàng tử William sau khi trò chuyện cùng nhau vào năm ngoái.
Tuy nhiên, những ngón đòn chính trị không phải là biện pháp tốt nhất để giữ chân Trump. Tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, đã khuyên các nhà lãnh đạo châu Âu áp dụng "chiến lược sổ séc" và tiến hành với ông Trump thay vì trả đũa mức thuế mà ông đề xuất trước đó.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cân nhắc về việc mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, dù chúng có giá khá cao, như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu. Châu Âu đã dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi đầu năm 2022.
Ngoài ra, các nguồn tin trong Ủy ban cũng nói đến khả năng sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và vũ khí của Mỹ.
Để đảm bảo an ninh chung của châu Âu, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn có một chính sách phòng thủ công nghiệp trên toàn EU. Ông nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy châu Âu sẽ ở thế yếu nếu đứng riêng lẻ. Tháng tới, các nhà lãnh đạo EU đã mời Anh - một trong hai cường quốc quân sự lớn của châu Âu - tới một cuộc họp nội bộ để thảo luận về việc hợp tác tốt hơn về an ninh và quốc phòng.
Người đứng đầu bộ quốc phòng EU và cựu thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas, tin rằng sự thống nhất về mục đích của châu Âu là cần thiết trong bối cảnh Mỹ có thể rút chân khỏi NATO.
"Chúng ta cần hành động theo cách thống nhất. Khi đó, chúng ta sẽ mạnh mẽ và đứng vững trên trường thế giới”, bà Kallas nói.
Đến năm 2025, EU đã vượt qua được Brexit (chỉ sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, đại dịch Covid -19 và khủng hoảng di cư. Một nhiệm kỳ nữa của ông Trump có thể sẽ là một thử thách lớn nhưng cũng như những lần trước, châu Âu cuối cùng cũng sẽ vượt qua và tiếp tục đứng vững.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Hill