Theo lời kể, chị T. đang ở nhà thì bất ngờ bị ong đốt vào chân. Sau đó, chị xuất hiện mẩn ngứa toàn thân, tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm.
Rất nhanh sau đó, triệu chứng bất ngờ diễn biến theo chiều hướng xấu: Mẩn ngứa nhiều, khó thở, choáng váng đầu óc. Gia đình đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y tế khu vực Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trong tình trạng lơ mơ, khó thở, tím môi, tím đầu chi, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt.
Sau thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân nhận định đây là một trường hợp sốc phản vệ độ III do ong đốt có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ độ III. Sau một thời gian điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, huyết áp ổn định, tỉnh táo trở lại, hết khó thở
BSCKI. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Phụ trách Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc, Trung tâm Y tế khu vực Thanh Ba, Phú Thọ, cho biết, không ít người dân nghĩ rằng bị ong đốt chỉ gây sưng đau, mẩn đỏ tại chỗ, nên chủ quan và không đi khám.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuyết, ở những người có cơ địa dị ứng, việc bị ong đốt hoặc côn trùng đốt có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí sốc phản vệ nguy kịch đến tính mạng. Sốc phản vệ có thể xảy đến rất nhanh và dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị ong đốt hoặc côn trùng đốt, đặc biệt nếu có dấu hiệu bất thường như dị ứng mẩn ngứa toàn thân, khó thở, choáng váng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Việc tự ý dùng thuốc tại nhà có thể làm chậm trễ "thời gian vàng" cứu sống người bệnh.
Thanh An