50 năm vươn mình phát triển
Năm 1975, tỉnh Sóc Trăng bước ra khỏi chiến tranh với vô vàn khó khăn. Sau khi đất nước thống nhất, để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, Chính phủ quyết định sáp nhập một số tỉnh nhằm hình thành các đơn vị hành chính lớn hơn.
Năm 1976, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và TP. Cần Thơ. Việc sáp nhập này nhằm giảm bớt số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành của chính quyền trung ương cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ hơn.
Trải qua 50 năm kể từ ngày giải phóng và hơn 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Ảnh minh họa
Ngày 26/12/1991, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc phân chia địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó, chia tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh là Cần Thơ và Sóc Trăng. Đầu tháng 4/1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được thành lập.
Thời điểm mới tái lập, Sóc Trăng là một tỉnh thuần nông, diện tích đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn; kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu; điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn. Tổng sản phẩm nội tỉnh chỉ đạt 1.268 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,34 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 45 tỷ đồng; đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, với tỷ lệ hộ thiếu đói chiếm 27,7% và hộ nghèo chiếm 36,7%.
Trải qua hơn 30 năm tái lập và 50 năm kể từ ngày giải phóng, Sóc Trăng đã kiên trì vươn mình mạnh mẽ, ghi dấu ấn bằng những thành tựu kinh tế - xã hội đáng tự hào. Năm 2024, giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Sóc Trăng vẫn giữ được đà tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 43.586 tỷ đồng, tăng 7,07% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ 8 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 42 cả nước, khẳng định sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. GRDP bình quân đầu người đạt 66,49 triệu đồng, tăng 6,04 triệu đồng so với năm trước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Từ lâu, nông nghiệp đã trở thành trụ cột của kinh tế Sóc Trăng. Năm 2024, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh đạt 338.048 ha, tăng 2,32% so với năm 2023. Tỷ lệ lúa đặc sản và lúa chất lượng cao tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, tạo tiền đề nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Diện tích trồng cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, tăng mạnh với mức tăng 87,54%, sản lượng tăng tới 161,76%, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản. Đồng thời, chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, sản lượng thịt heo xuất chuồng tăng 16,15%, sản lượng trứng gia cầm tăng 6,54%. Ngành thủy sản tiếp tục ghi dấu ấn khi sản lượng đạt hơn 398 nghìn tấn, trong đó sản lượng tôm gần 209 nghìn tấn, tăng 1,8% so với năm trước.
Công nghiệp và xây dựng cũng đã có những bước tiến vững chắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 5,62%, với ngành chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến tôm đông lạnh phục vụ xuất khẩu. Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 11,81%, nhờ vào việc triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi 2 và các công trình phòng, chống sạt lở ven sông. Những công trình này không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần đảm bảo an sinh, ổn định đời sống nhân dân.
Trong thời gian tới, khi các dự án cảng biển Trần Đề xây dựng và đi vào hoạt động, với vị trị là cửa ngõ phía đông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, , Sóc Trăng có cơ hội đón đầu, bứt phá đi lên, trở thành một trong những trung tâm phát triển của vùng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng khởi sắc mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch. Sóc Trăng đã tận dụng tốt tiềm năng du lịch văn hóa - lễ hội truyền thống, nổi bật với Lễ hội đua ghe ngo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng doanh thu dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh thương mại điện tử và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản qua các sàn giao dịch trực tuyến.
Sẵn sàng cho bước ngoặt mới
Sóc Trăng dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề xã hội, triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống người dân. Công tác giảm nghèo đạt được những kết quả tích cực, với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhờ các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và cho vay ưu đãi. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, chú trọng hỗ trợ các đối tượng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.
Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành Đề án sáp nhập và trình Bộ Nội vụ xem xét. Ảnh: Song Lê
Lĩnh vực y tế và giáo dục tiếp tục được đầu tư, từng bước nâng cấp, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe và học tập ngày càng tốt hơn cho người dân. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt mức cao. Trong giáo dục, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và mở rộng cơ hội học tập cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Sóc Trăng đang tích cực chuẩn bị cho công cuộc sáp nhập tỉnh. Ngày 25/4/2025, ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành và trình Bộ Nội vụ xem xét, thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sớm hơn so với thời hạn Chính phủ quy định là trước ngày 1/5/2025. Đây là một bước quan trọng để chuẩn bị cho việc tái cơ cấu lại bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng chia sẻ, để thực hiện đề án quan trọng này, các cấp ủy, chính quyền và toàn thể cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và nỗ lực theo phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng". Điều này nhằm đảm bảo tiến độ đề ra nhưng vẫn coi trọng tính kết nối và đồng bộ của đề án.
Đề án đã được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và được trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo đúng quy trình. Việc sáp nhập sẽ không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn là cơ hội để Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định vai trò quan trọng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau nửa thế kỷ phấn đấu, Sóc Trăng từ một tỉnh nghèo đã chuyển mình trở thành địa phương có nền kinh tế năng động, môi trường đầu tư cải thiện rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Thành quả hôm nay là sự hội tụ của ý chí, khát vọng và tinh thần đoàn kết của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng.
Ngân Nga