Sôi động cuộc đua giành ưu thế AI giá rẻ

Sôi động cuộc đua giành ưu thế AI giá rẻ
5 giờ trướcBài gốc
Sự thành công của AI giá rẻ do DeepSeek phát triển đang mở ra cuộc đua sôi động AI giá rẻ trên thế giới
Cuộc đua của “nhà giàu”
Ngay sau khi ra mắt vào tháng 1-2025, Công ty DeepSeek của Trung Quốc đã phát hành ứng dụng chatbot miễn phí đầu tiên với mô hình có tên là DeepSeek-V3. Sự xuất hiện của DeepSeek cũng như sản phẩm “đầu tay” DeepSeek-V3 đã lập tức tạo ra một cơn sốt gây chấn động không chỉ với giới công nghệ, trí tuệ nhân tạo (IA) mà cả thế giới. Năng lực của chatbot do DeepSeek phát triển đã được đánh giá sánh ngang các chatbot tốt nhất từ các “ông lớn” AI và công nghệ của Mỹ như OpenAI và Google. Điều đáng nói, với chi phí phát triển thấp và hiệu suất ấn tượng, DeepSeek đặt ra thách thức lớn đối với các mô hình AI của Mỹ, đặc biệt về chi phí sử dụng và khả năng tiếp cận người dùng.
Trước DeepSeek, các chatbot của các tập đoàn công nghệ lớn như là một thứ gì đó còn quá xa xỉ với phần đông trên thế giới bởi không chỉ đòi hỏi cao về phát triển công nghệ mà còn đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao cùng chi phí đầu tư quá tốn kém. Đó là một cuộc đua của “nhà giàu”, các hãng công nghệ lớn tại những quốc gia phát triển giàu có chứ không phải các công ty từ các nước có trình độ phát triển thấp hơn.
Mới phát triển vài năm nay song AI đang phát triển mang tính bùng nổ trên thế giới, lan tỏa hầu như tới mọi “ngõ ngách” trên toàn cầu. Năm 2024 vừa qua đánh dấu bước ngoặt lịch sử của AI khi công nghệ này không còn là tiềm năng tương lai mà trở thành động lực chủ đạo thay đổi nền tảng xã hội và kinh tế toàn cầu. AI len lỏi vào mọi lĩnh vực trên thế giới, từ an ninh, quốc phòng cho tới kinh doanh, giáo dục, y tế đến nông nghiệp… buộc con người phải nhanh chóng thích nghi với một thế giới do công nghệ dẫn dắt. Đây không chỉ là sự tiến hóa mà còn là một cuộc cách mạng toàn diện, mở ra chương mới đầy triển vọng và cả thách thức cho nhân loại.
Không ai muốn tụt hậu trong cuộc đua, nên không chỉ các tập đoàn công nghệ lớn mà các quốc gia đều có những kế hoạch đầy tham vọng để phát triển AI. Tổng thống Donald Trump ngay sau khi tiếp quản Nhà trắng đã công bố sáng kiến Stargate trị giá tới 500 tỷ USD, đồng thời ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm loại bỏ các rào cản pháp lý, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI tại Mỹ.
Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào đầu tháng 2 này đã công bố sáng kiến InvestAI nhằm huy động 200 tỷ euro (hơn 206 tỷ USD) đầu tư vào AI, trong đó bao gồm một quỹ châu Âu mới trị giá 20 tỷ euro để phát triển các nhà máy AI quy mô lớn. InvestAI được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc để châu Âu trở thành trung tâm phát triển AI hàng đầu thế giới. Pháp cũng “tăng tốc” trong nghiên cứu và phát triển AI khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết định khoản đầu tư lên tới 109 tỷ euro trong những năm tới.
Cùng với quốc gia, tập đoàn công nghệ toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ đầu tư với nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ USD vào AI, trong đó riêng trong năm 2025 đã dự kiến chi tổng cộng 320 tỷ USD. Amazon đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư cho AI khi dự kiến chi hơn 100 tỷ USD trong năm 2025, tăng đáng kể so với 83 tỷ USD trong năm ngoái. Một “ông lớn” khác là Microsoft cũng có kế hoạch phân bổ 80 tỷ USD trong năm tài chính 2025 để đầu tư vào các trung tâm dữ liệu xử lý khối lượng công việc AI ở Mỹ. Alphabet - công ty mẹ của Google cũng đặt mục tiêu đầu tư 75 tỷ USD cho AI. Meta - tập đoàn mẹ của các gã khồng lồ mạng xã hội Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp dành từ 60- 65 tỷ USD cho AI trong năm 2025. Với sự đầu tư mạnh mẽ, AI được cho sẽ phát triển bùng nổ hơn nữa, tác động sâu sắc tới mọi mặt của thế giới trong tương lai. Song đó là một cuộc đua rất tốn kém.
AI giá rẻ sẽ “lên ngôi”?
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện bất ngờ của mô hình AI DeepSeek của công ty khởi nghiệp Trung Quốc mang tên DeepSeek đã gây cú sốc lớn, mở ra cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo giá rẻ trên toàn cầu. Trợ lý AI miễn phí do DeepSeek phát triển có tính năng tương đương các đối thủ đến từ Mỹ như OpenAI và Meta nhưng giá rẻ hơn rất nhiều, tới hơn 96,4%.
Công ty DeepSeek cho biết, chỉ mất 2 tháng và chi phí dưới 6 triệu USD để xây dựng mô hình AI sử dụng chíp kém tiên tiến của Nvidia nhưng vẫn phát triển được ứng dụng có tính năng tương đương ứng dụng đắt đỏ của OpenAI. Phiên bản V3 DeepSeek đưa ra sau đó thậm chí còn vượt ChatGPT trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store tại Mỹ.
Những thông tin do Công ty DeepSeek công bố đã làm dấy lên nghi ngờ về các tuyên bố chi hàng trăm tỷ USD cho mô hình AI của các “ông lớn” công nghệ Mỹ và châu Âu. Và vấn đề không chỉ của riêng các công ty công nghệ, bởi giới đầu tư tin rằng việc đào tạo mô hình AI giá rẻ sẽ có tác động cả chuỗi cung ứng, từ các nhà sản xuất chíp đến các trung tâm dữ liệu, đồng thời khiến họ phải đặt câu hỏi rằng liệu có cần quá nhiều tiền cho nghiên cứu AI hay không.
AI giá rẻ theo sự phát triển của DeepSeek là các mô hình trí tuệ nhân tạo được vận hành với chi phí thấp, bao gồm chi phí đào tạo, nghiên cứu và sử dụng. Điều này đạt được thông qua tối ưu hóa thuật toán, sử dụng phần cứng tiết kiệm chi phí và các chiến lược giảm tải tài nguyên.
Trong bối cảnh các mô hình AI ngày càng phát triển theo hướng thương mại hóa, DeepSeek là một trong số ít các mô hình mã nguồn mở miễn phí hoặc có chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cao. DeepSeek cho phép cộng đồng tiếp cận mã nguồn miễn phí và tùy chỉnh theo nhu cầu riêng, giúp giảm chi phí triển khai AI cho doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự khác biệt so với các mô hình AI giá rẻ khác của OpenAI vốn không công khai mã nguồn.
Thành công của công ty công nghệ khởi nghiệp DeepSeek vì thế đang mở ra cuộc đua trong việc phát triển các mô hình AI giá rẻ toàn cầu. Ngay bản thân các “ông lớn” AI như OpenAI cũng không đứng ngoài cuộc đua khi vào đầu tháng 2 này đã chính thức công bố mô hình AI o3-mini với chi phí để sử dụng chỉ bằng một nửa so với AI o1-mini trước đó. Đây được xem là phản ứng tức thời sau thành công vang dội của DeepSeek trong phát triển AI giá rẻ. Một “gã khổng lồ” khác là “ông trùm” công cụ tìm kiếm Google cũng ngay trong đầu tháng 2-2025 đã giới thiệu mô hình Gemini 2.0 Flash và Flash-lite. Hai mô hình AI chi phí thấp này được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ứng dụng của DeepSeek.
Từ “hiệu ứng” DeepSeek, một số mô hình AI giá rẻ khác cũng đã bắt đầu được nghiên cứu. Trong đó, Đại học Stanford và Washington nghiên cứu “s1” với giá 50 USD. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley cũng tuyên bố đã phát triển mô hình tên “Tiny Zero” với tổng chi phí nghiên cứu sao chép chỉ khoảng 30 USD và vài ngày làm việc. Có thể thấy, mô hình AI với những tính năng cơ bản của DeepSeek đang mở ra một cuộc đua phát triển AI giá rẻ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu cần tính năng nâng cao hoặc sử dụng cho mục đích thương mại thì người dùng trước mắt sẽ vẫn phải trả phí. Thế nên, việc AI giá rẻ có thể “phế truất” AI tính năng nâng cao hay không còn cần thời gian trả lời.
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/soi-dong-cuoc-dua-gianh-uu-the-ai-gia-re-post604432.antd