Những tháng đầu năm gắn với dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao giúp hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Đây được xem là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Các dịch vụ mùa lễ hội nở rộ dịp đầu năm.
Ngay sau dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan. Tại Khu Di tích và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo), hàng nghìn du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan giúp các hoạt động thương mại sôi động.
Đặc biệt, các loại hình dịch vụ như sắp lễ, viết sớ, ăn uống, thuê xe... cũng được dịp nở rộ. Nằm sát bên quầy bán vé cáp treo Tây Thiên, gian hàng bán bánh kẹo, hạt dẻ nóng của chị Trần Thị Vy thu hút khá đông khách mua.
Chị Vy cho biết, ngoài các loại bánh kẹo đặc sản của các địa phương, hiện, trung bình mỗi ngày sau Tết, chị có thể bán hơn 1 tạ hạt dẻ nóng cho du khách đến Khu di tích và danh thắng với giá hơn 60 nghìn đồng/kg. Vào hai ngày cuối tuần, hai chị em luôn tay quay nóng hạt dẻ cũng không kịp khách mua.
Không chỉ nhộn nhịp tại các quầy hàng lưu niệm, cửa hàng ăn uống, do nhu cầu thuê xe đi lễ chùa tăng cao, không khí tại nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, cho thuê xe cũng sôi động không kém.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà xe Tuấn Mai tại xã Thiện Kế (Bình Xuyên) cho biết: "Ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhà xe đã được nhiều gia đình, đơn vị đặt lịch, hợp đồng trước. Chính vì vậy, để đảm bảo hành trình an toàn và liên tục cho đoàn khách, nhà xe đã chủ động nâng cấp, bảo dưỡng các loại xe".
Theo thông tin từ Sở Công thương, trong tháng 1/2025, nhờ các chương trình xúc tiến, bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng trước và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động.
Nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người dân gia tăng đã góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Mặc dù có sự sụt giảm so với tháng trước do tính thời vụ, nhưng doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 1 của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024 do nhu cầu du Xuân, du lịch tâm linh của người dân tại các địa điểm nổi tiếng như Khu Di tích và danh thắng Tây Thiên, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo); chùa Thanh Lanh, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên)... cùng với sự đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành.
Các siêu thị chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm dịp trong và sau Tết của người dân.
Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính chuyển phát tăng mạnh, đạt gần 50% so với cùng kỳ năm 2024 và dự báo tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực này tiếp tục có xu hướng gia tăng nhờ vào sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc phát huy hiệu quả khai thác.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, lưu thông ổn định sau Tết.
Năm 2025 được tỉnh xác định là năm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu KT - XH đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với định hướng đó, ngành thương mại - dịch vụ được định hướng giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, giúp tăng trưởng 2 con số. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu trong các dịp lễ, Tết.
Phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thị trường lớn, có tiềm năng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế về du lịch, kết nối các điểm, khu du lịch để mở rộng và tạo mới không gian phục vụ khách du lịch với các dịch vụ độc đáo, chất lượng cao...
Bài, ảnh: Lưu Nhung