Sớm xử lý dứt điểm vấn đề nước sạch ở khu đô thị Hà Phong

Sớm xử lý dứt điểm vấn đề nước sạch ở khu đô thị Hà Phong
3 giờ trướcBài gốc
Lý giải việc người dân phải mua nước sạch giá cao
KĐT Hà Phong là một trong số những dự án đô thị mới đầu tiên tại huyện Mê Linh được triển khai, do Công ty cổ phần Hà Phong làm chủ đầu tư. Thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, dự án có quy mô rộng 41,83 ha, nằm trong quần thể khu đô thị Bắc Thăng Long và được đầu tư với mức vốn lên tới 900 tỷ đồng; được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2014.
Tháng 10/2024, có mặt tại KĐT Hà Phong, phóng viên ghi nhận cảnh hoang tàn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; nhiều ô đất vẫn bị bỏ hoang, một số ô đất xây dựng sai quy hoạch, khiến khu đô thị này trở nên nhếch nhác, hỗn tạp.
Hệ thống lọc nước cỡ lớn lắp đặt ngay trong khuôn viên của căn biệt thự tiền tỷ KĐT Hà Phong.
Ngoài vấn đề cảnh quan đô thị nhếch nhác, vi phạm trật tự xây dựng, hệ thống chiếu sáng… người dân tại KĐT Hà Phong đang loay hoay tìm nguồn nước sạch để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày.
Phản ánh đến báo Tin tức, một số người dân mua nhà và sinh sống tại đây nhiều năm khẳng định, chưa bao giờ được dùng nước sạch. Nguồn nước nhiều năm qua đều khoan từ giếng và xử lý qua hệ thống máy lọc nước cỡ lớn.
Ông Tr.V.P (72 tuổi) cho biết, gia đình ông mua nhà và sinh sống tại KĐT Hà Phong được 9 năm. Trong khu vực này, nước giếng cũng chia làm 2 nguồn khác nhau, một nguồn cho dòng nước trong, một nguồn có màu vàng nhạt và đục. Nhưng dù nguồn nào thì người dân vẫn phải dùng máy lọc.
Trước thắc mắc vì sao mua nhà ở KĐT “đắt tiền” mà không có nước máy, ông P. khẳng định, KĐT nằm ở trung tâm xã Tiền Phong, chưa bao giờ được dùng nước máy, trong khi người dân trên địa bàn xã vẫn có nước máy để dùng. Mấy năm gần đây, do thiếu nguồn nước sạch, một số hộ dân “mách” nhau đóng tiền để đấu nối riêng đường nước. Tuy nhiên, mức giá đóng góp này cao và không hợp lý, nên chỉ một số ít hộ dân theo được.
Xác nhận với phóng viên, bà L.Th. (người dân trong KĐT) cho biết, không tiện tiết lộ mức giá nhưng đúng là trong KĐT Hà Phong, để dùng được nước sạch phải góp tiền mức cao. Chỉ có ít hộ theo được mức giá đó, còn lại đa số đều dùng nước giếng.
Thông tin đến phóng viên, đại diện UBND xã Tiền Phong khẳng định chưa ghi nhận được thắc mắc nào của người dân về thiếu nước sạch. Toàn xã được dùng nước sạch từ nhà máy lâu rồi. Xã Tiền Phong cũng là một trong ba xã đầu tiên của huyện Mê Linh được cấp nước sạch.
"Đối với các dự án như xây dựng khu đô thị, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư liên hệ với đơn vị cung cấp nước sạch để đấu nối", đại diện xã Tiền Phong thông tin.
Về vấn đề này, Công ty Hà Phong cho biết, dự án xây dựng KĐT này có từ thời vị trí lô đất này vẫn thuộc địa giới của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2008, khi đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản thu hồi 1.030 m2 của Công ty Hà Phong để giao Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị và Công nghiệp IDICO xây Trạm cấp nước cho KĐT Hà Phong. Sau này khi điều chỉnh lại địa giới hành chính, KĐT Hà Phong thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội.
Năm 2022, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị và Công nghiệp IDICO thông báo dừng cấp nước cho các hộ dân của KĐT Hà Phong. Ngay sau đó, Công ty nước sạch Hà Nội đã đồng ý cấp nước sạch trở lại cho KĐT này (hồ sơ thiết kế đã được duyệt).
Ngay sau khi được sự đồng ý của Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty Hà Phong đã thuê đơn vị khảo sát, thiết kế và chọn được nhà thầu thi công. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ khởi công đồng bộ hệ thống cấp nước; sau đó sẽ hoàn thiện các hạ tầng khác như hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây canh…
Lý giải thêm bất cập về hệ thống cung cấp nước, theo Công ty Hà Phong, tại thời điểm xây dựng cách đây 20 năm, ống dẫn nước được làm bằng kẽm, qua nhiều năm đã hoen rỉ và xuống cấp; không đảm bảo chất lượng vệ sinh. Dù tỉ lệ dân cư sinh sống trong khu vực chưa đông nhưng việc đầu tư lại hệ thống là điều cần thiết. Vướng mắc nhất của đơn vị quản lý KĐT Hà Phong này là việc gia hạn chủ trương đầu tư toàn dự án, để đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Về tình trạng mua nước sạch giá cao, Công ty Hà Phong cho biết, hiện có một số hộ dân tự bỏ kinh phí và xin đấu nối đường nước từ một đơn vị cung cấp nước trên địa bàn. Việc này do các hộ dân tự thỏa thuận, phía công ty đã có kế hoạch xây mới và đồng bộ hệ thống cấp nước sạch toàn KĐT, sẽ xong sớm trong thời gian tới.
Văn phòng giao dịch bất động sản ngay tại KĐT Hà Phong.
Trong văn bản số 396/CV-HP, ký ngày 16/10/2024, gửi dến UBND huyện Mê Linh, Công ty Hà Phong đã báo cáo dự kiến tiến độ về hạ tầng kỹ thuật của dự án. Cụ thể, dự kiến thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trong Quý I/2025; Thiết kế cải tạo, thẩm tra các hạng mục vào Quý IV/2025; Thi công các hạng mục còn lại chậm nhất đến Quý II/2028; Nghiệm thu và bàn giao chậm nhất đến quý IV/2028.
Đặc biệt, trong văn bản này thể hiện rõ tiến độ hạng mục "Cải tạo hệ thống cấp thoát nước" vào tháng 12/2024.
Nhiều lô đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích
Sau 20 năm kể từ ngày khởi công, hàng loạt các căn biệt thự bỏ hoang không có người ở; cỏ mọc um tùm quây kín vỉa hè; hệ thống chiếu sáng nhiều nơi không hoạt động. Đêm đến, chỉ lác đác vài căn biệt thự sáng đèn, còn lại cả KĐT chìm trong bóng tối.
Ngay khi tiếp nhận phản ánh của báo Tin tức, Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh đã phối hợp với UBND xã Tiền Phong và Công ty Hà Phong để cung cấp thông tin cho báo chí. Tại cuộc làm việc với báo chí, đại diện Công ty Hà Phong cho biết, khu nhà để bán và cho thuê Hà Phong tại xã Tiền Phong đã hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình như: Công viên cây xanh, đường giao thông, công trình công cộng, xây nhà trên các lô đất.
Hiện dự án đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan đến ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 300/800 hộ đã về ở (trong đó bao gồm cả những hộ gia đình mua để cho thuê lại, mua nhưng không sử dụng và xây nhà nhưng cuối tuần mới về ở...).
Về tính đồng bộ hạng tầng và các công trình xây dựng của KĐT Hà Phong, tại văn bản số 4398/KH-ĐT-ĐT (ký ngày 7/10/2024 của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội), đã chỉ rõ các hạng mục chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nhà ở gồm: Lô L1,2,3, TM; A1,2,4… công trình dịch vụ công công, trạm xử lý nước thải, 4 cầu qua kênh T10.
Đáng chú ý, trong văn bản đó, Sở này cũng chỉ rõ việc thiếu hệ thống PCCC.
Ngoài một số căn biệt thự đã và đang được hoàn thiện thì nhiều khu đất vẫn bỏ trống, chưa được xây dựng.
Dù ở vị trí đắc địa với 2 mặt tiền, nhưng căn biệt thự này vẫn bỏ hoang, chủ sở hữu đang rao bán.
Một số lô đất trở thành nơi trồng rau, nuôi gà.
Vài địa điểm khác biến thành quán cà phê quy mô vài trăm mét vuông.
Đặc biệt, có lô đất xuất hiện nhà xưởng sản xuất nhôm kính.
Liên quan đến các công trình xây dựng sai quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích và trách nhiệm quản lý KĐT, Công ty Hà Phong khẳng định đã nhiều lần rà soát, thống kê, lập biên bản; đồng thời báo cáo lên UBND xã để phối hợp xử lý. Nhưng do ý thức người dân chưa cao, nên việc tái phạm vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến yếu tố lịch sử tại thời điểm cách đây nhiều năm, lúc đó luật pháp quy định về tính sở hữu và quyền sử dụng đất khác so với bây giờ.
Liên quan đến các vi phạm trật tự đô thị như nhà xưởng, hàng quán xây trái phép, đại diện chính quyền xã Tiền Phong khẳng định sẽ làm việc với Công an xã và yêu cầu xử lý dứt điểm trong thời gian tới, nếu có.
Liên quan đến hệ thống đèn chiếu sáng trong KĐT, Công ty Hà Phong cho biết, hệ thống chiếu sáng chung được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện. Nhiều năm trôi qua, một số khu vực bị cháy hoặc hỏng bóng đèn khiến hệ thống chiếu sáng gián đoạn. Việc thay thế các bóng đèn phải dùng xe chuyên dụng và đơn vị quản lý đang có kế hoạch thay thế đồng bộ. Đối với các khu có nhiều người dân sinh sống, hệ thống chiếu sáng được duy trì. Với các khu chưa có dân đến ở, đơn vị quản lý ngắt điện để tiết kiệm ngân sách.
Một số hạng mục cảnh quan đô thị khác như vỉa hè, đường giao thông đi lại trong KĐT, đại diện Công ty Hà Phong khẳng định sẽ giao cho đơn vị phụ trách xử lý vệ sinh môi trường, trả lại cảnh quan văn minh, hiện đại.
KĐT Hà Phong được quy hoạch tại vị trí đắc địa.
Hạ tầng thiếu đồng bộ, cầu qua kênh T10 vẫn đang hoàn thiện sau nhiều năm khởi công.
Một số tuyến đường giao thông trong khi đô thị bị chiếm dụng.
Chức năng nhà ở bị "biến" thành nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Các vi phạm về trật tự xây dựng và đô thị xuất hiện ngay trước bảng Thông báo của Ban Quản lý.
Đất thải chất đống, cao hơn 2 mét từ một công trình xây dựng trong KĐT Hà Phong.
Hệ thống chiếu sáng đã đồng bộ...
... Nhưng thiết bị hỏng.
Đêm xuống, nhiều điểm giao thông trong KĐT chìm trong bóng tối.
Lác đác vài căn biệt thự sáng đèn.
Tổng mức đầu tư cho KĐT Hà Phong lên đến 900 tỷ đồng.
Như vậy, bức xúc của người dân trong KĐT Hà Phong về nguồn nước sạch và thiếu đồng bộ hạ tầng đô thị không phải là không có cơ sở. Trong khi chờ đợi các cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các đơn vị quản lý liên quan, thì nhiều năm qua, người dân vẫn chưa được thụ hưởng đúng với chi phí đầu tư.
Theo quảng cáo của nhiều website và sàn giao dịch bất động sản, quy hoạch khu đô thị Hà Phong rộng 41,83 héc ta, cung cấp cho thị trường 448 căn biệt thự, 278 căn liền kề thiết kế theo tiêu chuẩn của một khu đô thị hiện đại được đồng bộ cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với đầy đủ tiện nghi. Tính pháp lý của KĐT này là có sổ đỏ, giá đất đang giao dịch từ 90 - 220 triệu/m2 (ước khoảng 8 - 16 tỷ đồng cho một lô đất, tùy diện tích).
Sau 20 năm xây dựng và đưa vào sử dụng, dù qua nhiều lần “sốt đất” và nhất là khoảng 3 năm trở lại đây, huyện Mê Linh được hưởng lợi từ sự "nóng" lên của thị trường bất động sản huyện Đông Anh, nhưng chưa rõ vì lý do gì mà người dân và các nhà đầu tư không mấy mặn mà với KĐT này.
Trung Nguyên/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/som-xu-ly-dut-diem-van-de-nuoc-sach-o-khu-do-thi-ha-phong-20241021115250449.htm