Sông Hàn mãi vang tiếng hát

Sông Hàn mãi vang tiếng hát
9 giờ trướcBài gốc
Một ngày bằng 20 năm
Tháng 1-1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra đời như một luồng gió mới, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam. Sau khi học tập Nghị quyết, các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng trong thành phố từng bước được khôi phục, phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhân dân một lòng trung kiên với Đảng, bất chấp tù đày, tra tấn, hy sinh để chuyên chở, cất giấu vũ khí, đùm bọc, che chở, nuôi nấng cán bộ lãnh đạo và các lực lượng cách mạng hoạt động ngay giữa lòng địch.
Ngày 21-3-1975, Thường vụ Khu ủy V triệu tập toàn Ban Thường vụ Quảng Đà lên nhận chỉ thị giải phóng Đà Nẵng. Tại cuộc họp, đồng chí Võ Chí Công (Năm Công) chỉ đạo: “Dù phương án nào thì Quảng Đà cũng phải làm thật tốt ba việc: Phải làm cho địch tan rã tại chỗ, không để địch co cụm về các tỉnh phía nam, về Sài Gòn; Không để địch hốt dân đi vào Nam; Phải bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ đừng để dân bị đói”.
Ngày 28-3-1975, Mặt trận Quảng Đà thành lập Ban chỉ huy tiền phương, giao Trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Mặt trận 4 làm Chỉ huy trưởng, giao cho các Tiểu đoàn 471, 489, 491, đặc công biệt động có nhiệm vụ cùng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, chiếm các cơ quan quan trọng như cầu, bến bãi, kho tàng, không cho địch đánh phá trước khi rút chạy; đón bộ đội chủ lực, hướng dẫn hoặc đưa bộ đội đến những nơi địch còn và chiếm những khu vực quan trọng như tòa thị chính, đài phát thanh; cùng nhân dân gìn giữ an ninh trật tự.
Ông Trịnh Trọng Sở, Phó ban Công tác Mặt trận khu dân cư 28 phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, nhớ lại: “Chiều 27-3, tôi đang đóng quân ở La Thọ, huyện Điện Bàn thì được sung vào Tiểu đoàn 4, Mặt trận 4 vừa thành lập ngày hôm đó để đánh vào Tòa thị chính Đà Nẵng. Tối 28 hành quân xuống đường số 1, đến nơi thì đã 4h sáng ngày 29, liền hành quân về sân bay Nước Mặn. Lúc đến đây thì địch đã bỏ vị trí, tàu hải quân Mỹ ở ngoài khơi trưa đó lui ra. Các đơn vị chủ lực của Mặt trận 4 lúc đó mới vào tiếp quản các vị trí trọng yếu. Khi thành lập Mặt trận 4, chúng tôi quyết tâm có thừa. Tin tức từ các chiến trường Huế, Tây Nguyên đưa về cho thấy quân giải phóng đang ở thế chẻ tre, phá sản âm mưu co cụm chiến lược của địch, giải phóng các tỉnh miền Trung trong vòng gần 10 ngày”.
Đúng là “một ngày bằng 20 năm”, khi Đà Nẵng được giải phóng với rất ít tiếng súng, ít đổ máu, ít thiệt hại. 50 năm sau ngày giải phóng, niềm vui vẫn rạo rực trong từng người con của thành phố, như lời trong bài hát “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” của Nguyễn Đức Toàn: “Bao nhiêu mong ước mới có một ngày vui/ Đà Nẵng hôm nay giải phóng rồi”.
Cực tăng trưởng của Việt Nam
Do hậu quả nặng nề của chiến tranh, cơ sở hạ tầng cả nông thôn và thành phố bị tàn phá nghiêm trọng. Trước nhiệm vụ lịch sử của giai đoạn mới đầy gian khó, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tập trung lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình các mặt, trấn áp kịp thời bọn phản động, giữ vững an ninh trật tự ngay từ những ngày đầu giải phóng. Đồng thời Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện giãn dân, đưa trên 50 vạn dân quê ở Quảng Trị, Thừa Thiên chạy vào Đà Nẵng và gần 40 vạn dân ở các huyện trong tỉnh Quảng Nam ở các khu tập trung, ấp chiến lược, thị trấn, thành phố trở về nguyên quán sản xuất, sinh sống, xây dựng lại quê hương.
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 nhớ lại: Tại cuộc họp đầu tiên với các thương gia của thành phố sau ngày giải phóng, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh, trăn trở: “Thành phố lớn như Đà Nẵng mà từ cây tăm xỉa răng đến chiếc khăn lau mặt phải nhập khẩu nước ngoài hay phải mua tận Sài Gòn...”. Nhóm 38 cổ đông quyết định thành lập cơ sở sản xuất khăn bông và thống nhất lấy tên ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 đặt tên cho tổ hợp.
50 năm nhìn lại, từ một tổ hợp chuyên sản xuất khăn mặt bông cung cấp cho tiêu dùng nội địa, trải qua những bước thăng trầm trong quá trình chuyển đổi mô hình từ tổ hợp tác lên xí nghiệp công tư hợp doanh, nhà máy quốc doanh, giờ là công ty cổ phần với trên 4.000 lao động, với nhiều giai đoạn hết sức cam go, đầy thử thách, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, công ty vẫn đứng vững và phát triển, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm gần trăm triệu USD Mỹ, xuất khẩu qua các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ...
Đầu năm 1997, từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), thành phố Đà Nẵng tách ra và trực thuộc Trung ương. Ông Phạm Quý, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho biết, hàng trăm dự án đã được triển khai để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế. Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thống nhất thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc phát triển giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó chủ trương “tạo vốn từ quỹ đất” giúp thực hiện công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, phát triển không gian đô thị, kết cấu hạ tầng theo hướng công nghiệp, văn minh, hiện đại. Thành phố có gần 110.000 hộ dân (50% số hộ dân) trong vùng giải tỏa đồng ý di dời để thực hiện các dự án.
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, nhiều chương trình văn hóa, an sinh xã hội giàu tính nhân văn, hướng đến người dân được phát động thực hiện, như Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố “3 có”, “Thành phố “4 an”. Đây là cơ sở để thành phố xây dựng “Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa - nhìn từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng”. Thành phố tăng cường lĩnh vực trọng điểm ưu tiên đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch; xây dựng Đề án Phát triển chip vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn. Hiện nay, thành phố có 4 khu công nghệ thông tin tập trung, có diện tích 140,8ha với hơn 10.000 người làm việc.
Tại buổi làm việc với với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam ngày 29-3-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cần định vị Đà Nẵng không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại; đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao...
Hoàng Nhung
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/song-han-mai-vang-tieng-hat-699874.html