Bất chấp quy định, dịch vụ đổi tiền mới vẫn "nóng" trước thềm Tết Nguyên đán 2025.
Ngân hàng “nói không”, “chợ đen” công khai rao đổi
Kể từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng chính sách hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là các mệnh giá từ 10.000-50.000 đồng. Chính sách này nhằm kiểm soát nguồn cung tiền mặt, giảm chi phí in ấn và hạn chế các hành vi lợi dụng đổi tiền trong dịp Tết. Tuy nhiên, điều này đã vô tình đẩy nhu cầu đổi tiền mới trở thành “nỗi ám ảnh” đối với nhân viên ngân hàng. Họ phải khéo léo từ chối các yêu cầu đổi tiền từ khách hàng và người thân, tránh mất lòng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định.
Ngân hàng chính thống không phục vụ đổi tiền mới vào dịp Tết, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao chính là cơ hội "vàng” để các dịch vụ đổi tiền online và "chợ đen" bùng nổ với mức phí “cắt cổ”, lên đến 10-15% giá trị đổi.
Các bài đăng "rao đổi' tiền lẻ, tiền mới lì xì Tết "rôm rả", công khai trên "chợ mạng".
Việc tìm kiếm dịch vụ này vô cùng dễ dàng, chỉ cần gõ các từ khóa như “đổi tiền lì xì Tết” hay “đổi tiền mới” trên Facebook, hàng trăm bài viết sẽ ngay lập tức xuất hiện. Những hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với hàng nghìn thành viên tham gia.
Các lời chào mời như “phí đổi thấp”, “tiền thật 100%”, “nguyên seri, chưa qua sử dụng” xuất hiện tràn ngập, thu hút sự quan tâm lớn từ người dân. Nhiều người bán còn hứa hẹn giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận, nhằm tạo cảm giác an tâm cho khách hàng.
Phí đổi tiền được công khai dao động 5-8% giá trị số tiền đổi, nhưng mức phí này không cố định mà biến động liên tục. Càng sát Tết, phí đổi càng tăng cao theo độ “hiếm” của mệnh giá, đặc biệt là các mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng.
Bên ngoài các cọc tiền mới thậm chí còn được các đối tượng dán thêm tờ niêm yết giới thiệu "nguồn gốc" từ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".
Trao đổi qua tài khoản Facebook H.N, chủ tài khoản cho biết: “Phí đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng là 6%, còn mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng là 5%. Nếu đổi số lượng lớn, phí có thể giảm, như mệnh giá 500.000 đồng khi đổi 100 tờ, phí sẽ chỉ còn 4%”.
Ngoài đổi tiền mới, tiền lẻ, thị trường tiền online còn rao bán nhiều loại tiền lì xì “độc, lạ” như tiền theo seri ngày tháng năm sinh, tiền ngoại tệ, hay tiền lưu niệm. Các loại tiền này thường được quảng cáo là nhập từ nước ngoài về, với giá bán cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế.
Những loại tiền lì xì "độc, lạ" từ các nước cũng được rao bán công khai.
Chẳng hạn, một tép tiền (100 tờ) mệnh giá 100 Rupiah Indonesia được bán với giá 1,2 triệu đồng. Tương tự, một tép 1 Đô rồng Bhutan có giá 900.000 đồng, một tép 1.000 Kip Lào có giá 390.000 đồng, và một tép 500 Sum Uzbekistanđược bán với giá 700.000 đồng.
Những loại tiền “độc” hơn, như số seri năm sinh kép (ví dụ 19701970), có mức giá cao ngất ngưởng: tờ 10.000 đồng là 400.000 đồng, tờ 200.000 đồng là 800.000 đồng, còn tờ 500.000 đồng lên đến 1.200.000 đồng.
Thị trường còn xuất hiện các loại tiền lưu niệm như tiền 2 USD in hình rắn mạ vàng, giá 140.000 đồng/tờ, tặng kèm tờ “1 triệu USD” thần tài; cặp tiền xu Úc rắn mạ vàng, bạc kèm túi gấm đỏ, giá 80.000 đồng/cặp; hay tiền xu Phật Tổ Như Lai, tiền xu thần tài Hồng Kông mạ vàng với giá 60.000 đồng/xu...
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới không còn xa lạ, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang cận kề, khiến nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao. Thế nhưng, chính việc này cũng tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo, lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi.
Do hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới thường giao dịch qua mạng nên thực tế có người khi nhận về cọc tiền bị rút ruột, không đúng sêri lẫn tiền cũ nát, thậm chí không kiểm tra kỹ càng còn có thể nhận về tiền giả… Nghiêm trọng hơn, một số nạn nhân còn bị “bùng” tiền cọc khi chủ tài khoản bán tiền chặn liên lạc ngay sau khi nhận được chuyển khoản.
Điều đáng nói là những người bị lừa đảo, nhận tiền giả thường không dám trình báo với cơ quan chức năng vì lo ngại bị truy cứu trách nhiệm liên quan đến việc mua – bán tiền giả.
Để tránh "tiền mất, tật mang", người dân cần hết sức cảnh giác với các lời mời gọi từ các hội nhóm.
Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ có thu phí ngoài hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các cơ sở được cấp phép đều bị coi là bất hợp pháp. Cá nhân vi phạm có thể bị phạt đến 40 triệu đồng theo Nghị định 88 của Chính phủ. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Điều này cho thấy, việc đổi tiền ngoài các kênh chính thống không chỉ mang lại rủi ro tài chính mà còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
Mới đây, Cục An toàn thông tin cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không thực hiện đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, được cấp giấy phép hoạt động hợp pháp.
Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, trước khi giao dịch, người dân cần kiểm tra phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường và không tin vào những dịch vụ có tỷ giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng chung. Đặc biệt, người dân cần cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng.
Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh Hà