Đà tăng của VN-Index vẫn còn dư địa, với kỳ vọng có thể tăng lên 1.420 điểm.
Sức đẩy nội tại giúp chỉ số bứt phá
VN- Index vừa thiết lập vùng giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây, vượt mốc 1.380 điểm và hướng tới vùng mục tiêu mới trong khoảng 1.390 - 1.420 điểm.
Trong Chương trình Café Chứng ngày 3/7, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) nhận định, xu hướng tăng này chủ yếu được dẫn dắt bởi những yếu tố nội tại tích cực, thay vì những biến động bất thường từ bên ngoài.
Trên thực tế, nhiều yếu tố nền tảng đang hỗ trợ vững chắc cho thị trường, như: Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh với kế hoạch trung hạn 2026 - 2030, lãi suất duy trì ở mức ổn định và tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Dòng vốn vào thị trường không chỉ đến từ nhà đầu tư cá nhân mà còn từ khối tổ chức, đặc biệt là các quỹ trong và ngoài nước đang cơ cấu lại danh mục theo kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Đáng chú ý, SSI Research vẫn giữ dự báo tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số cho các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2025, cho thấy triển vọng tích cực từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài.
Các ngành được dự báo dẫn dắt lợi nhuận gồm: Tài chính - ngân hàng, Bất động sản hạ tầng và Tiêu dùng, những lĩnh vực đang nhận được lực đẩy từ cả chính sách và dòng tiền thực.
Ngoài ra, tiến trình cải cách thể chế cũng đang tạo nền móng cho nâng hạng thị trường. Các bước đi đáng chú ý gần đây bao gồm việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán nhằm mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, triển khai hệ thống giao dịch KRX, cũng như xây dựng cơ chế lưu ký và thanh toán linh hoạt hơn.
Theo ông Hưng, xác suất Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi đã tiệm cận 90%. Nếu điều này xảy ra, hàng loạt cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do cao, như VNM, HPG, SSI và một số mã thuộc nhóm Vingroup (VPL, VRE, VHM, VIC)…, có thể được đưa vào các chỉ số MSCI hoặc FTSE, từ đó kích hoạt dòng tiền ETF quy mô lớn đổ vào thị trường.
Thuế Mỹ tăng 20% với hàng Việt: Thách thức hay cơ hội?
Một trong những thông tin đáng chú ý xuất hiện trong tuần qua là việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố chính sách thuế mới với hàng hóa Việt Nam.
Theo đó, mức thuế 20% và 40% được đề xuất áp dụng cho một số mặt hàng, bao gồm cả hàng hóa trung chuyển. Dù thông tin này ban đầu khiến giới đầu tư thận trọng, nhưng theo phân tích của SSI Research, đây không hẳn là một tín hiệu tiêu cực.
“Chúng ta cần đặt mức thuế trong bối cảnh so sánh. Mức 20% hiện nay nằm giữa biên độ 10 - 30% mà Hoa Kỳ từng áp dụng cho Trung Quốc, do đó có thể coi là mức trung tính chứ không phải trừng phạt”, ông Phạm Lưu Hưng nhận định.
Quan trọng hơn, Việt Nam hiện là quốc gia thứ ba trên thế giới đang đàm phán khung thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, cho thấy vị thế ngày càng được nâng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt không nằm ở mức thuế tuyệt đối mà ở quy tắc xuất xứ. Nếu Việt Nam có thể đạt được những điều khoản linh hoạt trong xác định nguồn gốc hàng hóa, thì lợi ích từ các ưu đãi thương mại sẽ thực sự phát huy. Ngược lại, nếu quy định xuất xứ quá ngặt, như từng xuất hiện trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì ngay cả mức thuế thấp cũng trở nên không hiệu quả.
"Điều quan trọng hơn cả mức thuế là quy tắc xuất xứ", ông Hưng nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ thị trường, việc chính sách thương mại Mỹ đối với Việt Nam dần được làm rõ cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất định, một trong những yếu tố thường tạo áp lực lên dòng vốn ngoại. Theo ông Hưng, chính sách rõ ràng luôn tốt hơn là sự mơ hồ, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thường đặt trọng tâm vào tính ổn định và khả năng dự báo của thị trường.
Ngoài thuế, một số yếu tố vĩ mô quan trọng trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường và dòng tiền. Trong đó, đáng chú ý là tiến trình công nhận quy chế kinh tế thị trường của Hoa Kỳ với Việt Nam, diễn biến đàm phán thương mại Việt - Mỹ sau ngày 9/7, kết quả công bố nâng hạng thị trường vào tháng 10/2025 và tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là với các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Minh Lâm