Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2025

Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2025
một ngày trướcBài gốc
Các chuyên gia thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu và động lực tăng trưởng cho thị trường Việt Nam. Ảnh: Standard Chartered
Ngày 20/02, tại TP.HCM, đã diễn ra diễn đàn Tổng quan kinh tế Việt Nam và Thế giới nửa đầu năm 2025 với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế Việt Nam và quốc tế. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận về các xu hướng kinh tế quan trọng đang định hình thị trường toàn cầu và Việt Nam, đồng thời đưa ra những kịch bản mà Việt Nam có thể áp dụng để đối mặt với những thách thức trong năm 2025.
TỔNG QUAN KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 2025
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư của ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đã nhấn mạnh đến khả năng phục hồi ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các thập kỷ qua, ngay cả khi đối mặt với những thách thức định kỳ, đồng thời là quốc gia đang chuyển mình trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao".
Về bức tranh kinh tế toàn cầu, ông Edward Lee, chuyên gia kinh tế khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered, dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở mức thấp. Dự kiến GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2024 và giảm còn 3,1% trong năm 2025. Mặc dù lạm phát giảm, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã giảm, trong khi các yếu tố như thắt chặt điều kiện tiền tệ, áp lực tài khóa và bất ổn địa chính trị vẫn tiếp tục tác động đến thị trường toàn cầu.
Edward Lee, Chuyên gia Kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Standard Chartered
Trong đó, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN trong năm nay được dự báo đạt khoảng 4,8%, giảm nhẹ so với mức trung bình 5,2% đến 5,3% của năm 2024. Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do nhu cầu từ bên ngoài có thể không còn ổn định như trước.
Đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, dự báo GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7%. Trong đó, nửa đầu năm sẽ đạt 7,5% và nửa sau sẽ giảm còn 6,1%. Mức tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự mở rộng kinh doanh liên tục và vai trò quan trọng của FDI.
Về dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm tăng trưởng cao hơn nửa sau, bà Nguyễn Thúy Hạnh cho biết, báo cáo này dựa trên phản ánh về sự tiếp nối trong tăng trưởng mạnh mẽ từ năm ngoái trong nửa đầu năm nay.
Nửa năm sau sẽ có sự biến động lớn hơn, đặc biệt là trong quý 2, khi chính phủ Mỹ sẽ công bố thêm các chi tiết về chính sách thương mại của họ, bao gồm thuế quan đối với các sản phẩm như bán dẫn, ô tô và dược phẩm. Những quyết định này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến thị trường Việt Nam mà cả tình hình thương mại toàn cầu. Vì vậy, nửa đầu năm sẽ có sự tăng trưởng ổn định, nhưng sang nửa sau của năm dự báo tình hình kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, chủ yếu do sự không chắc chắn trong các chính sách thương mại.
Ông Tim Leelahaphan cho biết động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam một phần đến từ nguồn vốn FDI trong các lĩnh vực chính như sản xuất đứng ở vị trí số 1, sau đó là bất động sản, doanh số bán lẻ, nông nghiệp, xuất khẩu và sự phục hồi của ngành du lịch.
“Với vị thế là ngân hàng duy nhất hiện diện tại tất cả 10 quốc gia ASEAN, trong đó Việt Nam là thị trường năng động và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Standard Chartered, chúng tôi cam kết mang lại nhiều cơ hội đầy hứa hẹn cho Việt Nam. Đặc biệt trong các lĩnh vực từ ngân hàng bán lẻ, quản lý tài sản đến dịch vụ khách hàng cho khối khách hàng ưu tiên và doanh nghiệp, cũng như thương mại và các định chế tài chính”, Đại diện Standard Chartered khẳng định.
2025: CÂN BẰNG GIỮA TĂNG TRƯỞNG VÀ LẠM PHÁT
Mặc dù vẫn được dự báo về việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng các chuyên gia cảnh báo về một số rủi ro mà Việt Nam cần chú ý trong năm 2025.
Tim Leelahaphan, Chuyên gia Kinh tế cấp cao, thị trường Việt Nam và Thái Lan, Standard Chartered.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia Kinh tế cấp cao của Standard Chartered, đã đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường Việt Nam.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP có thể đi kèm với lạm phát gia tăng. Theo đó, chính sách thuế quan, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, nông sản, thủy sản và giày dép, sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù các biện pháp thuế quan mới của Mỹ có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam, nhưng chúng cũng gây áp lực lên các ngành sản xuất trong nước do phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Đồng thời, thặng dư thương mại lớn giữa hai nước có thể là yếu tố dẫn đến những thách thức trong các cuộc chiến thương mại.
Thứ hai, vấn đề lãi suất. Chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu lạm phát tiếp tục gia tăng và đồng Việt Nam yếu đi, có thể sẽ có sự điều chỉnh lãi suất trong năm nay.
Với những yếu tố này, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2025 hứa hẹn sẽ đầy thách thức, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần có các chiến lược linh hoạt để ứng phó.
DOANH NGHIỆP CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC 2025?
Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng 8% của nền kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho rằng lạm phát tăng lên 4% sẽ không phải là yếu tố rủi ro lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng nếu thu nhập của họ không được cải thiện.
Bà Hạnh nhấn mạnh, trong 15 năm qua, Việt Nam đã từng đối mặt với mức lạm phát tương tự và Chính phủ đã áp dụng những biện pháp hiệu quả để điều chỉnh. Do đó, nếu lạm phát xảy ra sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro.
Chia sẻ về triển vọng năm 2025, bà Nguyễn Thúy Hạnh nhận định: "Năm nay sẽ là một năm đầy thách thức đối với cả chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt, với nhiều yếu tố tác động. Chúng ta kỳ vọng vào tăng trưởng cao, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với lạm phát cao hơn và có thể đồng Việt Nam sẽ yếu hơn vào một thời điểm nào đó".
Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam cảnh báo các doanh nghiệp cần chuẩn bị đối phó với sự biến động của đồng Việt Nam, đồng thời không loại trừ khả năng lãi suất vay sẽ tăng cao hơn trong năm 2025. Đặc biệt, bà lưu ý rằng doanh nghiệp cần phòng ngừa rủi ro về tỷ giá hối đoái, dù đồng Việt Nam ổn định hơn so với các đồng tiền khác.
Về lâu dài, bà Hạnh đưa ra hai điểm cần lưu ý.
Một là, doanh nghiệp cần phân bổ rủi ro qua việc điều chỉnh sản lượng trong nước và kiểm soát chi phí nhân công, nguyên vật liệu;
Hai là, đa dạng hóa nhu cầu của doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro.
Bà Hạnh cho rằng tăng thuế chỉ là một yếu tố nhỏ, trong khi việc gia tăng giá thành nguyên vật liệu cũng cần được chú ý. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt vấn đề này trong thời gian 3 năm dịch bệnh khi chuỗi cung ứng và sản xuất bị gián đoạn.
Mặc dù chưa có thông tin về tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, gạo, thủy sản và giày dép tuy nhiên các sản phẩm như bán dẫn có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới dự kiến áp dụng vào tháng 4.
Theo các chuyên gia, dù đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có hiệu suất tốt nhất trong khu vực và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không bị động trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.
Quỳnh Như
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/standard-chartered-du-bao-tang-truong-gdp-viet-nam-dat-6-7-trong-nam-2025.htm