Sử dụng điện thoại trong cửa hàng xăng dầu được không?

Sử dụng điện thoại trong cửa hàng xăng dầu được không?
3 giờ trướcBài gốc
Từ trước đến nay, tôi thấy trong cửa hàng xăng dầu cấm sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người hay sử dụng điện thoại để thanh toán, không biết như vậy có đúng quy định không.
Xin hỏi, việc sử dụng điện thoại trong cửa hàng xăng dầu có đúng quy định không? Nếu không thì bị xử phạt thế nào?
Bạn đọc Nguyễn Thanh (TP.HCM)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Căn cứ tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BCT quy định, tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Cửa hàng xăng dầu phải được trang bị đủ số lượng phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp để chữa cháy theo quy định tại TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra và bảo dưỡng và theo quy định tại quy chuẩn này.
Căn cứ vào tính chất nguy hiểm cháy của các chất, vật liệu trong từng hạng mục của cửa hàng xăng dầu để trang bị, bố trí phương tiện chữa cháy phù hợp.
Theo quy định, tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc. Do đó, không được sử dụng điện thoại tại cửa hàng xăng dầu.
Nếu sử dụng điện thoại tại cửa hàng xăng dầu có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo khoản 1, khoản 3 Điều 35 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm. Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.
Lưu ý, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, trong trường hợp có biển cấm nhưng vẫn sử dụng điện thoại di động khi đổ xăng và gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 589 Bộ Luật dân sự 2015.
Theo đó, nếu có thiệt hại xảy ra khi sử dụng điện thoại ở cây xăng có biển báo cấm điện thoại thì người vi phạm có thể vừa bị phạt tiền vừa phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Nếu thiệt hại đến sức khỏe của người khác hoặc thiệt hại đến tính mạng của người khác thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ Luật dân sự 2015 hoặc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.
HUỲNH THƠ
Nguồn PLO : https://plo.vn/su-dung-dien-thoai-trong-cua-hang-xang-dau-duoc-khong-post812566.html