Người lao động kiểm tra sản phẩm tại Công ty Honda Việt Nam.
Tăng cường kết nối cung-cầu
Để có kết quả này, năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; đặc biệt tình hình thiếu hụt lao động tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn để kịp thời có phương án, giải pháp cung ứng lao động.
Theo đó, các giải pháp kết nối cung-cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động-việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm.
Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm được sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng, hiệu quả quản lý, điều tiết cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động được nâng cao rõ rệt. Các chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác được thực hiện hiệu quả.
Nội dung được quan tâm nữa là các hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu khác và Đề án 06 được tăng cường… Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Việc tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước.
Theo thống kê, đến tháng 10 năm 2024 cả nước có 159.748 lao động nước ngoài đang làm việc. Hiện nay, có hơn 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5-4 tỷ USD/năm. Công tác quản lý lao động nước ngoài đã giúp cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được; bảo đảm hài hòa giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá: Thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên, có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất: Qua khảo sát xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động nhưng không nghiêm trọng, nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm trong khi doanh nghiệp không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động. Số lao động mà doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, trong các ngành dệt may, lắp ráp điện tử.
Bên cạnh đó, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay, có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (cả nước chỉ có 28,1% người lao động qua đào tạo, có văn bằng, chứng chỉ).
Năm 2025, để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế, ngành lao động-thương binh và xã hội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động-việc làm.
Giải pháp được đưa ra: Kết nối và điều tiết hiệu quả cung-cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp năng lực và sở trường. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên… Yêu cầu khác là nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.
Đồng thời, mục tiêu ưu tiên của ngành là ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp trình độ, kỹ năng của người lao động trong nước.
Hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước...
Tình hình lao động, việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19: 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Bài và ảnh: NHẬT ANH