Việt Nam ưu tiên nguồn lực để phát triển ngành bán dẫn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, đây là sự kiện quốc tế quan trọng về sự kết hợp giữa AI và bán dẫn, mang đến cơ hội tiếp cận những thông tin mới nhất và khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Sự kiện có quy mô hơn 1.000 lãnh đạo, chuyên gia với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như: Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác từ Silicon Valley (Hoa Kỳ) và nhiều quốc gia, nền kinh tế phát triển.
AISC 2025 tập trung vào các nội dung mới nhất và mang tính bước ngoặt của AI trong cách mạng hóa thiết kế và sản xuất chip, cùng tiềm năng của kiến trúc bán dẫn tiên tiến cho AI.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết: “Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được xác định vai trò then chốt”.
Tiến sĩ Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic, đơn vị đồng tổ chức AISC 2025 cũng chia sẻ: “AISC 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của công nghệ AI và bán dẫn. Chúng tôi tập hợp những nhà đổi mới hàng đầu thế giới để giới thiệu những đột phá thực sự tại giao điểm của AI và bán dẫn”.
Theo Bloomberg Intelligence, thị trường bán dẫn toàn cầu đạt 500 tỷ USD vào cuối năm 2024, với AI đang dẫn dắt nền kinh tế số. Sự đột phá của DeepSeek-R1, mô hình AI mã nguồn mở đạt hiệu năng tương đương chỉ với một phần ba năng lượng tính toán so với các mô hình hàng đầu, đã tạo ra làn sóng chuyển đổi thị trường trị giá 1,2 nghìn tỷ USD và thúc đẩy nhu cầu cấp thiết về giải pháp điện toán hiệu quả.
Theo báo cáo gần đây của McKinsey, việc tích hợp AI vào thiết kế và sản xuất chip đang thu hút những khoản đầu tư khổng lồ, định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp thông qua nâng cao hiệu suất và tạo cơ hội mới cho các trung tâm công nghệ đang phát triển trên toàn cầu.
Đứng trước xu hướng bùng nổ này, Việt Nam tận dụng cơ hội này với chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm: trợ cấp chi phí sản xuất chip và AI; Chính phủ chú trọng đào tạo bài bản về AI và bán dẫn, cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với bài toán phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh với quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Để biến thách thức thành động lực, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao vị thế của mình trong ngành AI và bán dẫn. Chính phủ đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài.
V.H