Sự leo thang nguy hiểm tại Trung Đông

Sự leo thang nguy hiểm tại Trung Đông
4 giờ trướcBài gốc
Tối 1/10, Iran tiến hành cuộc không kích thứ hai vào Israel trong năm nay, sau một cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái vào tháng 4 để trả đũa cho hành động không kích chết người của Israel vào tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria. Theo truyền thông Iran, nước này đã tấn công Israel với sự tham gia của hơn 100 tên lửa.
Iran dội mưa tên lửa vào Israel tối 1/10. Ảnh Reuters.
Đáng chú ý, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết trong cuộc tấn công này, Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah. Phía Iran khẳng định cuộc tấn công vào Israel chỉ nhằm vào các cơ sở quân sự, với 90% tên lửa của họ đã bắn trúng mục tiêu ở Israel. Tehran cũng tuyên bố cuộc tấn công của họ là để đáp trả việc Israel giết hại các thủ lĩnh phiến quân và hành động xâm lược của Israel ở Lebanon chống lại Hezbollah và Gaza. Đăng tải trên mạng xã hội X ngày 2/10, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh hành động tấn công trả đũa của Iran đã kết thúc. "Hành động của chúng tôi sẽ kết thúc trừ khi Israel quyết định trả đũa thêm. Trong kịch bản đó, phản ứng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn", ông Abbas Araqchi cho biết.
Về phần mình, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói rằng Iran đã bắn khoảng 180 quả tên lửa các loại trong đợt không kích tối 1/10. Ông Hagari cũng cho rằng quân đội nước này đã đánh chặn một số lượng lớn tên lửa của Iran. Phát biểu tại cuộc họp của nội các an ninh ở Jerusalem ngay sau khi Iran tấn công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh cuộc tấn công vào Israel đã "thất bại" vì bị đẩy lùi nhờ hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Israel, đồng thời bày tỏ cảm ơn Mỹ vì sự hỗ trợ. Thêm nữa, ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ "trả đũa thích đáng" trong vài ngày tới. "Iran đã phạm một sai lầm lớn vào đêm nay và họ sẽ phải trả giá", Thủ tướng Israel tuyên bố.
Liên hợp quốc cùng nhiều nước lên án xung đột leo thang ở Trung Đông, kêu gọi Iran và Israel tìm kiếm giải pháp hòa bình. "Tôi lên án xung đột ngày càng mở rộng ở Trung Đông, với những động thái leo thang ngày càng tăng. Điều này phải chấm dứt. Chúng ta rất cần một lệnh ngừng bắn", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 1/10 đăng thông điệp trên mạng xã hội X. Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, khẳng định sẽ hợp tác với Israel để đảm bảo Iran phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận tình hình với người đồng cấp Israel Yoav Gallant vào cuối ngày 1/10 và cho biết Washington sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông, theo Lầu Năm Góc.
Các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã bắn khoảng một chục tên lửa đánh chặn chống lại các tên lửa của Iran hướng tới Israel, Lầu Năm Góc cho biết thêm, đồng thời, đánh giá các cuộc không kích của Iran lần này có quy mô gấp đôi cuộc tấn công vào tháng 4. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Washington đối với Israel và gọi cuộc tấn công của Iran là "không hiệu quả". Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ủng hộ lập trường của ông Biden và cho biết Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình trước Iran.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng cuộc tấn công tên lửa từ Iran vào Israel là hành động đe dọa tới an ninh khu vực và "các bên cần lập tức chấp dứt vòng xoáy leo thang chết chóc ở Trung Đông", "chiến tranh quy mô khu vực sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào". Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công mới của Iran vào Israel, đồng thời nói thêm rằng Pháp đã huy động các nguồn lực quân sự của mình ở Trung Đông như một dấu hiệu thể hiện cam kết của mình đối với an ninh của Israel. Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố ủng hộ Israel tự vệ và đảm bảo an ninh quốc gia, song từ chối bình luận liệu quân đội Anh sẽ hỗ trợ Israel đáp trả Iran hay không. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi Iran "chấm dứt vòng xoáy bạo lực" với Israel, trong khi Ngoại trưởng Jose Manuel Albares lặp lại thông điệp "mọi bên, trong đó có Israel, cần kiềm chế và không leo thang xung đột".
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 2/10 cũng cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Iran nhắm vào Israel là hành động "không thể chấp nhận được", chỉ trích Iran leo thang hướng đến "chiến tranh toàn diện" tại Trung Đông. Tuy nhiên, Tokyo nhấn mạnh thiện chí hợp tác cùng Washington "tháo ngòi nổ khu vực và ngăn căng thẳng leo thang thành chiến tranh toàn diện".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Iran cùng tổ chức vũ trang Hezbollah lập tức ngừng mọi hành động tấn công Israel, nhấn mạnh Berlin cùng đối tác sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn. "Iran đang đe dọa thiêu đốt toàn khu vực. Chúng ta cần ngăn chặn điều đó bằng mọi giá", lãnh đạo chính phủ Đức tuyên bố. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã họp với các cố vấn an ninh quốc gia và kinh tế trong ngày 2/10 về cuộc xung đột ở Trung Đông và kêu gọi phản ứng nhanh chóng nhưng có chừng mực đối với bất kỳ tác động nào đến nguồn cung cấp năng lượng của đất nước, văn phòng của ông cho biết.
Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu, giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon vẫn tiếp diễn trong ngày 2/10. Israel tiếp tục ném bom vào vùng ngoại ô phía Nam của Beirut, một thành trì của Hezbollah, với hàng chục cuộc không kích nhằm vào những gì họ cho là mục tiêu thuộc về nhóm này.
Trong khi đó, Hezbollah cho biết họ đã đối đầu với lực lượng Israel xâm nhập vào khu vực Adaisseh của Lebanon vào sáng sớm 2/10 và buộc quân địch phải rút lui. Gần 1.900 người đã thiệt mạng và hơn 9.000 người bị thương ở Lebanon trong gần một năm giao tranh xuyên biên giới, hầu hết là trong hai tuần qua, theo số liệu thống kê của chính phủ Lebanon.
Duy Tiến
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/quoc-te/su-leo-thang-nguy-hiem-tai-trung-dong-i745964/