SCIC sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường... (Ảnh: Đức Thanh)
Khẳng định tầm nhìn xa chiến lược
SCIC được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2006.
SCIC ra đời trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn, theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông - nhà đầu tư. SCIC hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét, sau 18 năm hoạt động, SCIC đã “tròn vai” trong các nhiệm vụ của mình, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.
So với thời điểm thành lập, tính đến hết năm 2023, doanh thu của SCIC tăng gấp 47 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 63 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 17 lần; tổng tài sản tăng gấp 13 lần. Các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đều tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước.
Trong quá trình hoạt động, SCIC từng tiếp nhận vốn tại 1.081 doanh nghiệp, thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do SCIC tiếp nhận; sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được chuyển giao. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên cũng như kết quả mà SCIC đạt được có sự đóng góp quan trọng của hệ thống Người đại diện. Họ là những “cánh tay nối dài” của SCIC, giúp Tổng công ty thực sự trở thành cổ đông năng động, là nhà đầu tư hiệu quả tại các doanh nghiệp.
Công tác thanh, kiểm tra và kiểm toán hoạt động của SCIC từ các cơ quan quản lý nhà nước đều đánh giá SCIC đã chấp hành tốt quy định của pháp luật, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn triển khai công khai, minh bạch, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
“Tính hiệu quả về kinh tế đã được chứng minh qua dữ liệu, nhưng quan trọng hơn là những gì chúng ta có thể phát huy qua mô hình này, để giai đoạn mới có thể làm tốt hơn”, chuyên gia Võ Trí Thành nêu quan điểm khi nhìn nhận về quá trình 18 năm hoạt động của SCIC.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên và chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng chia sẻ quan điểm rằng, nên có những cải cách quyết liệt để thúc đẩy hơn nữa tính hiệu quả của SCIC, trong vai trò là một công cụ đầu tư của Chính phủ hoạt động mang tính thị trường, chứ không phải một cơ quan hành chính nhà nước.
Bước chuyển mình lịch sử
Trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Đông của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối tháng 10 vừa qua, một nội dung trong các cuộc làm việc giữa các nhà lãnh đạo cấp cao được giới đầu tư chú ý. Đó là có thể kết nối các nguồn lực tài chính lớn từ Trung Đông đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục của Việt Nam. Lãnh đạo SCIC đã tham dự và đóng góp tích cực trong các cuộc làm việc, nhằm thu hút nguồn vốn lớn từ khu vực này.
Không chỉ có nguồn lực từ Trung Đông, cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư tài chính từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, châu Á đều mở rộng, nếu Việt Nam có danh mục dự án đầu tư cụ thể. Hạ tầng vốn là nút thắt cổ chai của nền kinh tế, nếu khơi thông được, sẽ là chìa khóa mở ra bước nhảy lớn mà Việt Nam khát khao đạt được vào những mốc lịch sử như kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), kỷ niệm 100 năm thành lập nước (năm 2045).
Thực ra, tầm nhìn về một SCIC với những vai trò mới đã được thể hiện trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ khi đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, nâng cao vai trò của SCIC, nhất là vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng”.
Kế hoạch Sắp xếp lại và Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 690/QĐ-TTg (ngày 17/7/2024) cũng đặt ra mục tiêu “củng cố SCIC đảm bảo đủ nguồn lực tài chính, định hướng sau năm 2025 trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu Việt Nam”.
Trong Chiến lược Phát triển SCIC đã được phê duyệt, trong 5 năm tiếp theo (2026 - 2030), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo SCIC tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.
Khi bàn về câu chuyện này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị, đã đến lúc vai trò của các công cụ đầu tư nhà nước như SCIC cần được đẩy mạnh và phát huy, không chỉ đầu tư trong nước, mà còn có thể vươn tay đầu tư ra nước ngoài, với các mục tiêu chiến lược của Nhà nước.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thông qua thúc đẩy các “quả đấm thép” sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc của nền kinh tế.
Tại Trung Quốc, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) được thành lập với số vốn lên tới hơn 2.000 tỷ USD, do Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cấp. Trong cơ cấu danh mục đầu tư của CIC, các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản tài chính ở nước ngoài (33,1%) và cổ phiếu dài hạn trong nước (61,9%).
Mô hình Temasek được ông Nguyễn Bá Hùng phân tích với khuyến nghị “rất phù hợp và đáng tham khảo với Việt Nam”. Tại thời điểm thành lập, Temasek có giá trị thị trường là 354 triệu đô la Singapore, gồm cổ phần trong các công ty nhà nước Singapore có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, hàng không, viễn thông.
Sau khi hoàn thành cơ bản hoạt động thoái vốn, Temasek đẩy mạnh hoạt động đầu tư, duy trì tỷ lệ vốn thanh khoản linh hoạt, xây dựng danh mục đầu tư vững chắc nhưng linh hoạt để có thể chuyển đổi cơ cấu danh mục khi cần thiết.
Giá trị danh mục đầu tư của Temasek vào tháng 3/2023 đạt 382 tỷ đô la Singapore, trong đó riêng các công ty trong danh mục đầu tư nội địa có doanh thu hợp nhất khoảng 145 tỷ đô la Singapore, mang lại cho Temasek nguồn lợi nhuận bền vững. Tổng lợi nhuận gộp hàng năm của cổ đông kể từ khi thành lập vào năm 1974 là 14%; có đến 47% danh mục đầu tư của Temasek là tài sản lưu động và niêm yết, 53% là tài sản và quỹ chưa niêm yết.
Gần đây nổi lên mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ Indonesia (INA) rất hiệu quả và năng động. INA được thành lập vào năm 2021 với vốn điều lệ 5,2 tỷ USD, có mục đích tối ưu hóa giá trị của các khoản đầu tư và thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế. INA ngay từ khi thành lập đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tài chính quốc tế, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Trung Quốc, với cam kết rót vốn lên tới hàng chục tỷ USD.
Tính đến nay, INA đã triển khai một số hoạt động đầu tư “bom tấn” như bắt tay Tập đoàn DP World (UAE) đầu tư vào hạ tầng cảng biển với tổng giá trị 7,5 tỷ USD; thành lập quỹ đầu tư đường cao tốc thu phí lên tới 3,75 tỷ USD với Quỹ Hưu trí Canada và một đơn vị thuộc Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi vào năm 2021; mua cổ phần trong đợt IPO Công ty Tháp viễn thông - Mitratel (quản lý 16.000 tháp viễn thông trên toàn Indonesia); hợp tác với Công ty Quản lý tài sản Mỹ BlackRock đầu tư 300 triệu USD vào kỳ lân du lịch trực tuyến Traveloka (Indonesia).
Mạnh tay rót tiền cho các công cụ đầu tư chiến lược, Chính phủ các nước cũng rất “thị trường” trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư để thúc đẩy tính chủ động và năng động của các quỹ đầu tư. Cụ thể, đánh giá đối với Temasek và GIC không dựa trên từng khoản đầu tư riêng lẻ, mà căn cứ vào hiệu quả danh mục tổng thể. Với INA, lợi nhuận được sử dụng để trích lập quỹ dự trữ bắt buộc (cho đến khi đạt 50% vốn của INA) và phần còn lại được giữ để tái đầu tư. Hội đồng Quản trị INA (trên cơ sở tham khảo ý kiến Ban Kiểm soát) xác định giới hạn cho phép về mức lỗ trong hoạt động đầu tư của INA.
Trần Hoàng