Sự thay đổi của 5 cửa ô Hà Nội

Sự thay đổi của 5 cửa ô Hà Nội
3 giờ trướcBài gốc
Trải qua những biến động của lịch sử, nhiều dấu tích của cửa ô kinh thành Thăng Long xưa đã bị xóa bỏ do các cuộc chiến tranh kéo dài. Tuy nhiên, 5 cửa ô vẫn tồn tại cho đến ngày nay, trở thành tên gọi của nhiều địa danh và phố phường tại Thủ đô, như quận Cầu Giấy, phường Ô Đống Mác, phường Ô Cầu Dền, phường Ô Chợ Dừa... Hiện tại, Hà Nội chỉ còn một cửa ô duy nhất giữ được nét cổ kính là Ô Quan Chưởng.
Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80m nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. Tên gọi Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh cao cả của một viên quan Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873 qua cửa ô Đông Hà.
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn giữ lại dáng vẻ xưa cũ.
Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Hiện nay, Ô Quan Chưởng đã trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh. Xung quanh Ô Quan Chưởng là khu phố cổ Hà Nội, với nhiều hàng quán, nhà thờ, chợ, đền chùa, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội.
Ô Chợ Dừa
Ô Chợ Dừa, tọa lạc tại quận Đống Đa, là một trong những cửa ô đặc trưng của Hà Nội. Khu vực này trong lịch sử là nơi giao thương sầm uất. Ngày nay, Ô Chợ Dừa là điểm giao nhau của 6 tuyến phố: Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành. Đây đồng thời là nút giao thông vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của người dân Hà Nội.
Ô Chợ Dừa (Quận Đống Đa) hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố: Xã Đàn, Khâm Thiên, Tây Sơn, Đê La Thành, Tôn Đức Thắng, Ô Chợ Dừa.
Ô Cầu Giấy
Ô Cầu Giấy là một cửa ô được mở từ tòa thành đất bao bọc vòng giữa khu đông dân cư ở phía Tây kinh thành Thăng Long.Vị trí cửa ô này thuộc làng Thanh Bảo nên có tên là Ô Thanh Bảo. Từ thế kỷ XIX, để thuận tiện cho giới kinh doanh giấy ở trong nội thành nên dân làng giấy ở Yên Hòa đã dựng ở cửa ô những cái lán bày giấy để bán, thường gọi là những cái cầu hàng giấy (tương tự như lán bán thịt gọi là cầu hàng thịt). Do đó, tên cửa ô Thanh Bảo cũng gọi là cửa ô Cầu Giấy. Chữ Cầu ở đây là cầu bán hàng (cầu chợ) chứ không mang nghĩa là cây cầu bắc qua sông.
Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã, điểm giao nhau đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến đường vành đai 2 trên cao.
Hiện nay, Ô Cầu Giấy là một trong những nút giao thông chính, hiện đại của Hà Nội. Vào giờ cao điểm, các phương tiện lưu thông qua đây rất đông đúc. Khi đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đưa vào sử dụng, Ô Cầu Giấy là nút giao thông 3 tầng.
Ô Đống Mác
Ô Đống Mác là tên cửa ô thời xưa, thời chúa Trịnh Sâm (thế kỷ XVIII) có tên là Ô Ông Mạc. Bản đồ Hà Nội năm 1831 gọi đây là cửa ô Thanh Lãng. Tới năm 1866, cửa ô này được gọi là cửa ô Lãng Yên. Sang thế kỷ XX, người dân quen gọi là Ô Đống Mác.
Cửa ô này là nơi người dân có thể vào thành Thăng Long bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, nên thường có quân lính canh gác khá nghiêm ngặt.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu, phía đông nam Hà Nội.
Ô Cầu Dền
Ô Cầu Dền tên chữ là Yên Ninh, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm sau thành Thịnh Yên. Ô Cầu Dền là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện trong lịch sử từ thời Lý, thế kỷ XI-XII (Đại Việt sử lược, quyển II, III, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960).
Ô Cầu Dền còn gắn liền với điển tích về một học trò mồ côi sống ở làng Kim Liên, thời nhà Mạc. Vì gia cảnh nghèo nên cậu phải đi dạy học để kiếm ăn qua ngày. Trong những năm gian khó, nhờ những mẫu rau dền, cậu đã giúp nhiều người cùng vượt qua được thời kỳ đói kém. Vì thế, chỗ người học trò đó ở được gọi là Cầu Dền.
Ô Cầu Dền hiện nay chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Theo lịch sử, từ thời xa xưa đến tận những năm 1945-1954, vị trí Ô Cầu Dền hiện tại vốn có dòng sông chảy qua, hai bên bờ là bãi đất phù sa với những luống rau màu tươi tốt quanh năm và loại nhiều nhất chính là rau dền. Theo đó, con cầu bắc qua sông, khu vực có nhiều loại rau này, cũng được gọi là cầu Dền.
Hằng Nga - Diễm Hằng
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/su-thay-doi-cua-5-cua-o-ha-noi-718672.html