Sự tích làng rắn

Sự tích làng rắn
5 giờ trướcBài gốc
Đình làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội)
Sự tích làng nghề
Đến thăm làng Lệ Mật vào một chiều cuối năm, tôi được ông Trần Minh Chí - Phó trưởng Ban Di tích đình, chùa Lệ Mật kể câu chuyện về sự tích làng rắn. Tương truyền, vào thời nhà Lý, một nàng công chúa xinh đẹp con Vua Lý Thái Tông, khi đang du ngoạn bằng thuyền trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) thì bất ngờ bị thủy quái nổi lên, bắt giữ. Vua trao thưởng cho ai tìm thấy công chúa nhưng không người nào tìm được.
Có một chàng thanh niên họ Hoàng đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây của Kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua ưng thuận, dân chúng Lệ Mật đã vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu “Thập Tam trại”, nay là 8 phường của quận Ba Đình, 1 phường của quận Đống Đa, trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài công việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt, nuôi rắn nên đời sống rất giàu có và gọi tên làng là “Trù Mật”. Sau khi chàng trai mất, để nhớ ơn, dân làng suy tôn chàng là Thành hoàng và lập đình thờ. Đến thế kỷ XVII, vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương, 1686 - 1729) nên làng đổi tên thành Lệ Mật. Đến nay, đình làng Lệ Mật vẫn trường tồn theo thời gian. Dù đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc nội công ngoại quốc. Năm 1988, di tích đình làng Lệ Mật được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được tổ chức ngày 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Với ý nghĩa, nhân dân Thập tam trại (con cháu đi khai hoang bên kinh đô) vượt sông, về cựu quán Lệ Mật để dâng lễ vật, bày tỏ sự biết ơn đối với Thành hoàng làng. Chính vì vậy, đến nay, người dân Lệ Mật vẫn bảo tồn, gìn giữ những nghi lễ đặc trưng của lễ hội làng Lệ Mật, như lễ rước nước, lễ rước văn, lễ đả ngư, nghi lễ tế Đức Thánh, lễ đón nhân dân “Thập Tam trại” về dâng lễ Đức Thánh, điệu múa dân vũ diệt Giảo Long và nhiều nghi lễ khác cho thấy tinh thần trị thủy quật cường, dũng cảm của người xưa chống chọi với thiên nhiên. Năm 2024, lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ da rắn
Trăn trở phát triển nghề truyền thống
Bên cạnh việc giữ gìn những giá trị truyền thống, người dân Lệ Mật còn rất ý thức trong việc giữ gìn nghề nuôi, bắt rắn có từ lâu đời. Theo những người dân trong làng kể lại, ngày trước nhân dân trong làng đi săn, bắt rắn ở khắp nơi sau đó mang vào trung tâm thành phố bán, nhưng sau đó dân làng dần chuyển sang nuôi rắn để làm dược liệu, làm thuốc ngâm rượu để uống cho đỡ đau xương, khớp…
Rồi dần dần, các hộ nhỏ đã phát triển thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như chế biến ẩm thực; sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ da rắn… Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề Lệ Mật kể lại, làng vốn nổi tiếng với nghề bắt rắn do tiếp nối truyền thống của cụ Hoàng, nhưng lớp con cháu thế hệ sau này đã hạn chế và dần ngưng việc bắt rắn do liên quan đến quy định về bảo tồn động vật hoang dã, vì vậy cư dân trong làng chuyển sang hình thức nuôi rắn. Để phát triển nghề nuôi rắn một cách chuyên nghiệp, những năm 2015 - 2016, các hộ trong làng đã tự thành lập Câu lạc bộ làng nghề nuôi và chế biến rắn. Đến năm 2018, Hợp tác xã làng nghề Lệ Mật đã được thành lập và phát triển cho tới nay.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa của một làng nghề ngay sát trung tâm Thủ đô, nghề nuôi rắn của Lệ Mật đang phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù hợp tác xã có hơn 40 thành viên nhưng cũng chỉ còn 25 hộ nuôi rắn và kinh doanh ẩm thực từ rắn.
Bà Trần Thị Hường, một trong các thành viên Hợp tác xã làng nghề Lệ Mật chia sẻ, hiện nay làng nghề Lệ Mật gặp không ít khó khăn. Bản chất những người tham gia hợp tác xã đều là những người yêu nghề truyền thống của ông cha, nếu chỉ làm để vì lợi nhuận kinh tế thì thực tế các thành viên còn đang rất loay hoay. Bởi con rắn là một loài rất đặc thù, nhu cầu tiêu thụ không cao, địa điểm chăn nuôi lại thu hẹp dần dẫn đến người dân không còn thiết tha với nghề. Do đó, hợp tác xã không chỉ là nơi kết nối giữa các hộ kinh doanh, mà còn phải là nơi bảo vệ, “truyền lửa”, động viên mọi người giữ gìn nghề truyền thống.
Xây dựng làng nghề gắn với du lịch
Thế hệ trẻ hôm nay của làng Lệ Mật cũng có rất nhiều gương ưu tú, trong đó có anh Trương Minh Khánh, Phó Giám đốc Hợp tác xã làng nghề Lệ Mật. Anh cho biết, gia đình anh đã sống bằng nghề nuôi rắn từ khi anh còn nhỏ.
“Tiếp nối truyền thống cha ông, tre già măng mọc, tôi cũng đặt rất nhiều tình cảm, tâm tư, để làm sao cho làng nghề phát triển. Đời cha ông đã gây dựng nên nghề nuôi rắn với bao vất vả, khó khăn, là thế hệ sau tôi rất mong mình sẽ góp phần phát triển thêm cho nghề. Bên cạnh các sản phẩm hiện nay, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm khác nữa, để khi du lịch làng nghề phát triển có thể có thêm các sản phẩm “đệm” giúp du khách trong nước và quốc tế nhớ tới Lệ Mật” - anh Trương Minh Khánh chia sẻ.
Cùng với quyết tâm của các hộ dân “giữ lửa” cho nghề truyền thống, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề và tìm hướng đi mới, tập trung vào việc cung cấp sản phẩm du lịch gắn với văn hóa vật thể và phi vật thể; thưởng thức ẩm thực cũng đa dạng hóa các sản phẩm ngoài rắn ra còn có sản phẩm đặc sắc khác. Đặc biệt là việc nghiên cứu hình thành khu vườn bảo tồn rắn tại Lệ Mật để tạo thành điểm nhấn trong làng khi làng rắn Lệ Mật đã chính thức trở thành điểm du lịch cấp thành phố.
Bà Đặng Thúy Vân, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho biết, tháng 7-2024, UBND quận Long Biên đã phê duyệt phương án xây dựng Trung tâm nuôi bảo tồn các loại rắn và Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề gắn với du lịch làng nghề truyền thống Lệ Mật. Mặc dù để triển khai phương án thì còn rất nhiều công việc ở phía trước, nhưng đây là mong mỏi và sẽ là những bước đi đầu tiên để phát triển làng nghề Lệ Mật bền vững và hiệu quả giữa lòng Thủ đô.
Tú Anh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/su-tich-lang-ran-post601699.antd