Sư Kiệm có thế danh Phan Trọng Kiệm, sinh ngày 16/9/1941 tại thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (nay là huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), trong một gia đình nông dân nghèo. Là con út trong gia đình có 8 anh chị em, từ nhỏ, sư Kiệm đã bộc lộ thiên tính tu hành.
Ông Phan Trọng Thống (77 tuổi, cháu họ sư Kiệm) cho hay, những chuyện về người chú tu hành từ nhỏ đã nổi tiếng khắp vùng. Lên 3 tuổi, sư Kiệm đã dùng bát đũa riêng và từ 7 tuổi, ngài đã có thói quen thả chim, phóng sinh và dành nhiều thời gian để đọc kinh sách Phật pháp.
Ông Phan Trọng Thống, người cháu họ của sư Kiệm. Ảnh: Thành Sen
Năm 16 tuổi, ngài quyết tâm lên chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh để xin được tu hành. Ngôi chùa lúc đó rất hoang vắng và thiếu thốn, chỉ có một sư bà đã cao tuổi trụ trì. Mặc dù sư bà không nhận ngài làm đệ tử nhưng đã ban cho pháp danh Thích Thiện Tuệ, và ngài bắt đầu tự tu luyện một mình.
Suốt 9 năm, sư Kiệm hàng ngày lên Hương Tích đập đá xây chùa và làm các công việc trong chùa, tối về vào hang đá ẩn tu, nghiên cứu kinh sách. Sau khi sư bà viên tịch, sư Kiệm sống một mình trong ngôi chùa hoang tàn, vừa tu hành, vừa bảo vệ và gìn giữ chùa.
Với sức mạnh tinh thần và trí tuệ của mình, lúc chỉ mới 25 tuổi, sư Kiệm đã tự cải tạo, trùng tu lại ngôi chùa Hương Tích, đồng thời truyền bá Phật pháp cho hàng ngàn phật tử trong vùng. Chùa Hương Tích từ đó trở nên nổi danh hơn, thu hút nhiều người đến chiêm bái.
Sau 46 năm, cánh tay vẫn không bị phân hủy, bàn tay vẫn bắt ấn tam muội như lúc sư "thí phát nhục thân". Ảnh: Thành Sen
Năm 1987, sư Kiệm rời chùa Hương Tích tìm về Cồn Toóc, xã Phúc Lộc, xây dựng một am nhỏ tu hành. Một năm sau, ngài chuyển về quê nhà ở xã Hồng Lộc và tiếp tục hành đạo. Sư Kiệm đã kiến lập Hương Thượng Liên Đài, nơi ngài tiếp tục tu hành và hoằng dương Phật pháp.
Ngài hành Bồ Tát đạo, cứu độ chúng sinh bằng nhiều phương tiện độ sinh khác nhau. Một trong những điều đặc biệt trong hành trình tu hành của ngài là việc truyền bá Phật giáo qua hành động cụ thể. Sư Kiệm đi bộ chân đất, bất kể mưa nắng, để giảng giải Phật pháp, phóng sinh và đặc biệt là cứu người. Ngài không chỉ dạy đạo mà còn chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ.
Sư Kiệm lúc còn tại thế. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Phan Trọng Thống chia sẻ: “Chú Kiệm không chỉ là người thầy mà còn là hình mẫu cho tất cả chúng tôi về sự kiên trì và đức hy sinh. Tôi luôn nhớ rõ những kỷ niệm về một người luôn sống vì đạo và chúng sinh. Ngay từ khi còn nhỏ, chú đã có lòng hướng thiện, luôn dành thời gian nghiên cứu kinh sách và giúp đỡ người khác. Dù gia đình khó khăn, thậm chí thiếu thốn nhưng chú chưa bao giờ ngừng nỗ lực học hỏi và tự tu tập”.
Cánh tay bất hoại được ví như “kim cương xá lợi”
Ngày 19/6/1977, sư Kiệm đã tự chặt ngón tay trái đeo nhẫn của mình để “cúng dường” chư Phật. Và 2 năm sau, sư Kiệm thực hiện một nghi thức đặc biệt: đại nguyện “thí phát nhục thân” để dâng lên Tam Bảo, cầu nguyện cho tất cả chúng sinh.
Sự kiện này diễn ra vào lúc 3h ngày 19/6/1979 tại chính điện chùa Hương Tích. Sư Kiệm kê cánh tay trái của mình lên chiếc đế hoa sen bằng gỗ mít, 4 ngón tay bắt ấn tam muội và dùng tay phải cầm chiếc dao chặt mạnh vào cánh tay trái của mình.
Cánh tay bất hoại sau 46 năm được người dân ví như "kim cương xá lợi". Ảnh: Thành Sen
Sau đó, ngài ngất đi một lúc.
Khi tỉnh lại vào sáng sớm cùng ngày, sư Kiệm lấy cánh tay đặt lên cuốn kinh Pháp Hoa, dâng lên Tam Bảo rồi mở cửa ra ngoài. Một người đàn ông tên Thế đi đốn củi và nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ này thì khiếp sợ bỏ chạy.
Một lúc sau, có hai mẹ con bà Hòa (trú xã Thạch Kim) lên chùa hành hương. Sư Kiệm nhờ họ ra vườn hái lá sim rồi giã nát, ngài dùng một mảng áo nâu trên người để băng bó vết thương. Sau đó, sư nhờ mẹ con bà Hòa thu dọn và chôn cánh tay tại vườn Dược sư phía Đông ngôi chùa.
Một tuần sau, cụ Quyền (là một thầy cúng, trú xã Phúc Lộc) theo lời dạy của “bề trên” đã đưa cánh tay của sư Kiệm về thờ tại gia đình cụ. Điều bất ngờ là dù đã qua một thời gian nhưng cánh tay vẫn không bị phân hủy.
Điện thờ sư Kiệm cùng cánh tay bất hoại được đặt trong tháp lưu ly. Ảnh: Thành Sen
Tháng 6/1990, hữu duyên, cụ Quyền trao lại cánh tay của sư Kiệm cho gia đình ông Phan Trọng Thống. Gia đình ông Thống lưu giữ cánh tay “bất hoại” của sư Kiệm trong tháp lưu ly của điện Tam Bảo, như một minh chứng vĩnh cửu cho sự chứng đắc của ngài.
Người dân địa phương và phật tử từ khắp nơi vẫn tiếp tục đến thăm và tôn kính ngài, coi đó là “kim cương xá lợi”, là biểu tượng cho đức hạnh và sự hy sinh vô bờ bến.
Ngày 3/4/2018, sư Kiệm qua đời vì tai biến, thọ 78 tuổi. Sư Kiệm ra đi nhưng di sản của ngài không chỉ còn lại trong những câu chuyện kỳ diệu về cánh tay bất hoại, mà còn trong những giáo lý sâu sắc mà ngài đã truyền bá. Trước khi qua đời, sư Kiệm đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh và dẫn dắt phật tử trên con đường giác ngộ.
“Chú Kiệm luôn khuyên chúng tôi về việc sống giản dị, từ bi và hướng thiện. Chú để lại cho chúng tôi bài học về sự kiên cường, đức hy sinh và cứu độ chúng sinh không ngừng nghỉ” - ông Thống xúc động nói.
Cuộc đời của sư Kiệm là một câu chuyện đầy kỳ diệu về sự hi sinh, kiên trì và lòng từ bi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Một người dân ở xã Hồng Lộc chia sẻ rằng sư Kiệm là một tượng đài sống động của Phật giáo và của lòng từ bi vô hạn. Sư Kiệm không chỉ để lại một cánh tay bất hoại mà còn để lại một di sản Phật pháp quý giá, một con đường mà những người theo đạo Phật có thể tiếp nối. Câu chuyện của ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai mong muốn theo đuổi con đường giác ngộ và yêu thương chúng sinh.
Ông Mai Đình Phong - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc - chia sẻ: “Sư Kiệm không chỉ là một bậc cao tăng mà còn là tấm gương sáng về đức hy sinh và tinh thần phục vụ cộng đồng. Trong suốt cuộc đời, ngài luôn sống giản dị, không màng danh lợi, chỉ tập trung vào việc hoằng dương Phật pháp và giúp đỡ những người nghèo khó, để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ trong lòng các phật tử mà còn trong cả cộng đồng".