Làm gì cũng vướng
Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Luật 34 là những vướng mắc liên quan quy định của các luật như Luật Thuế, Luật Lao động, Luật Tài chính, Luật Ngân sách…
Ví dụ ĐH Đà Nẵng, mỗi khi tổ chức hội thảo quốc tế vẫn phải xin ý kiến cho phép từ thành phố đến Bộ. “Như thế làm sao có tự chủ ĐH. Muốn mời giảng viên nước ngoài về làm việc cũng phải xin phép, đó chưa kể chuyện nhận viện trợ, tài trợ còn khó khăn hơn nhiều. Muốn nhận tài trợ khoảng 5.000-7.000 USD thôi cũng không thể thực hiện được bởi vướng các quy định khác”, ông Sơn khẳng định.
Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân trong giờ học. Ảnh: Nghiêm Huê
Ông cho rằng, phải rà soát việc thực hiện Luật 34 bị vướng những luật nào, từ đó có giải pháp điều chỉnh thì mới gỡ được điểm nghẽn.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông tin, việc mời giáo sư quốc tế đến Việt Nam giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH cần thuận lợi hơn vì hiện nay giấy phép lao động rất vướng. Hay như dự án quốc tế ở các trường ĐH của Việt Nam mấy năm qua, thủ tục và quy định rất phức tạp, qua nhiều đầu mối phê duyệt, gây ra sự sụt giảm về số lượng và dự án và kinh phí có thể thu hút. Hội thảo quốc tế tại trường ĐH của Việt Nam cũng bị chi phối bởi nhiều quy định ở nhiều bộ, ngành nên mất thời gian và thủ tục không cần thiết. GS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, muốn hợp tác quốc tế để hội nhập ở trường ĐH “thông”, phải giải quyết các điểm nghẽn, tương tác được với các luật khác, trong đó có lĩnh vực ngoại giao, an ninh.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật Hà Nội, TS. Chu Mạnh Hùng cho hay: Khi xây dựng Luật Giáo dục ĐH, cần có 1, 2 điều khoản quét những mâu thuẫn, vướng mắc mà các đạo luật cần sửa để giải quyết tận gốc. Vì nếu chỉ đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động thì khi luật có hiệu lực vẫn rất khó thực hiện như hiện nay.
Ông Hùng cho biết, mô hình quản trị ĐH khi thực hiện tự chủ cần thiết phải có chỉnh sửa để minh bạch hơn vị trí của hội đồng trường và mối quan hệ giữa 3 thiết chế trong nhà trường (hội đồng trường, Đảng ủy, ban giám hiệu). Quy định hiện tại về hội đồng trường trong tổ chức vận hành hiện đang có vấn đề, do 2 yếu tố là năng lực tự chủ; cơ quan chủ quản. Nếu không chỉ rõ vai trò của từng thiết chế sẽ dẫn đến tình trạng giẫm chân nhau (vai trò của Đảng ủy lãnh đạo, Hội đồng trường quản trị, Hiệu trưởng điều hành). Thực tế, ba thiết chế này ở nhiều trường đang không liên thông.
Bộ đề xuất sửa luật
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quyền tự chủ ĐH về quản lí tài chính bị hạn chế bởi nhiều quy định của pháp luật có liên quan tới đơn vị sự nghiệp công lập. Luật 34 quy định quyền tự chủ rất cao về quản lí tài chính và đầu tư cho các cơ sở giáo dục ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều quy định cản trở nhà trường thực hiện quyền tự chủ trong việc triển khai các dự án đầu tư từ nguồn thu hợp pháp, đặc biệt ảnh hưởng tới các trường đã được giao tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Điển hình thứ nhất là tại Luật 34 đã trao quyền cho hội đồng trường, hội đồng ĐH được tự quyết định sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước, nhưng thực tế quy trình, thủ tục lại bị ràng buộc bởi quy định về đấu thầu tại Luật đấu thầu năm 2013 như dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Việc chậm sửa đổi Luật đấu thầu năm 2013 không những đã tạo ra mâu thuẫn với Luật 34, mà còn cản trở bước tiến tự chủ của các trường ĐH. Ví dụ thứ hai, Luật Xây dựng quy định dự án xây dựng đủ điều kiện phê duyệt khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định. Tuy nhiên, tại Nghị định số 152 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, yêu cầu phải gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính trước khi phê duyệt thiết kế dự án. Điều này làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Luật 34 quy định trường ĐH được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nội dung rất khó triển khai do còn những vướng mắc theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan, như quy trình xây dựng và phê duyệt đề án, định giá tài sản, đấu giá quyền cho thuê tài sản.
Do đó, đối với dự án Luật sửa đổi lần này, Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung quy định, làm rõ hơn các nguyên tắc, yêu cầu và quyền tự chủ ĐH trong các hoạt động thu, chi tài chính, bảo đảm bao quát đồng thời phù hợp với từng loại hình sở hữu; quy định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục ĐH, bổ sung các chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa, cơ chế huy động các nguồn lực từ xã hội cho phát triển, tránh để có những cách hiểu khác nhau trong xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật; quy định rõ hơn về quyền tự chủ trong quản lí, sử dụng và khai thác tài sản của các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là tài sản vô hình như thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng đề nghị, cần đưa vào Luật Giáo dục ĐH sửa đổi sắp tới một vài điều quy định các luật liên quan cần sửa đồng bộ.
Nghiêm Huê