Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trumptuyên bố ông sẽ công bố kế hoạch thuế quan quy mô lớn bắt đầu từ 2/4.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính sách thuế đối ứng nhắm đến tất cả các nước, chứ không chỉ một nhóm 10-15 quốc gia có thặngdư thương mại lớn nhất với Mỹ.
Theo phân tích của công ty Chứng khoán KBSV, ước tính, trong trường hợp bị Mỹ áp thuế đối ứng, GDP Việt Nam giảm 0.7-1.3% so với kịch bản cơ sở. KBSV đánh giá 3 kịch bản có thể xảy ra nếu ông Trump đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng:
Kịch bản 1: Việt Nam bị áp thuế đối ứng không tính đến VAT. Mỹ có thể tăng mức thuế bình quân thêm 5.8%đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Kịch bản 2:Việt Nam bị áp thuế đối ứng có tính đến VAT. Ông Trump có thể xem xét đến cả những rào cản thương mại khác mà các quốc gia khác đang áp dụng, điển hình như thuế VAT. Mức thuế đối ứng có thể lên tới xấp xỉ 11%.
Kịch bản 3: Việt Nam không bị áp thuế đối ứng. Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ từ tháng 9/2023.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang có những kế hoạch tăng mua hàng hóa từ Mỹ. Trước đó, sáng ngày 26/3, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế tối huệ quốc đối với 14 sản phẩm chủ yếu xuất khẩu từ Mỹ để tạo cơ hội thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ quốc gia này, đồng thời giảm thặng dư thương mại của Việt Nam.
Trong trường hợp, Mỹ đánh giá tích cực về những động thái của Việt Nam, vẫn có khả năng Việt Nam không bị Mỹ đưa vào danh sách trong kỳ đánh giá này. Trong trường hợp bị Mỹ đưa vào danh sách bị áp thuế đối ứng, Việt Nam vẫn có thể đảo ngược tình hình, bằng việc chủ động đưa ra thêm các điều chỉnh cân bằng hơn chính sách thuế quan giữa 2 nước, từ đó có cơ sở đàm phán với Mỹ./.