Sửa đổi, bổ sung 7 luật lĩnh vực tài chính để giải quyết những vấn đề cần thiết, cấp bách

Sửa đổi, bổ sung 7 luật lĩnh vực tài chính để giải quyết những vấn đề cần thiết, cấp bách
2 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh phiên họp.
Tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế
Tại phiên họp sáng 10/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra Dự án Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc dự án Luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, đề xuất nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức, ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành có thể giảm thiểu được rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về sửa đổi điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Để quy định có tính hiệu lực, hiệu quả, Ủy ban đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành...
Đối với Luật Kế toán, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên và khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán về chữ ký điện tử hoặc các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử (khoản 5 Điều 2). Để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử, Ủy ban đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử hoặc các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử.
Về Luật Kiểm toán độc lập, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí đề xuất của Chính phủ về thẩm quyền đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cũng như việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và tăng thời hiệu xử phạt nhằm tăng tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên. Về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán, Ủy ban đề nghị rà soát để phân định rõ 2 trường hợp: Không được đăng ký hành nghề kiểm toán; Đã đăng ký hành nghề nhưng không được tiếp tục hành nghề do vi phạm.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước về các nhiệm vụ được bố trí từ nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc bổ sung các nhiệm vụ chi từ nguồn chi thường xuyên là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị xác định rõ trong Luật các nhiệm vụ chi tùy vào tính chất, quy mô được sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Cho ý kiến về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Ủy ban nhất trí việc giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành các quy định về thẩm quyền phê duyệt các Đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để giải quyết các vướng mắc hiện nay.
Về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay, hiện chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác về việc thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài sản từ đất đai, tài nguyên.
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành các luật quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng đối với đất đai, tài nguyên. Do đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí việc bổ sung các nội dung liên quan quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài sản từ đất đai, tài nguyên để bảo đảm tính thống nhất với các pháp luật khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài sản từ đất đai, tài nguyên. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chỉnh lý hoàn thiện bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Đối với Luật Quản lý thuế, liên quan đến nội dung quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị các cơ quan cùng thống nhất hướng xử lý đối với nội dung này sẽ đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế và đưa ra khỏi dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật thuế Giá trị gia tăng. Nội dung liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm thống nhất phương án giải quyết theo hướng sẽ quy định trong Luật thuế Giá trị gia tăng...
Đã có cơ sở thực hiện trong thực tiễn
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, Chính phủ đề xuất luật hóa quy định liên quan đến cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn và hỗ trợ các địa phương khác. Theo Phó Thủ tướng, nội dung này tương đối đủ cở sở trên thực tiễn triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư các công trình xây dựng, công trình hạ tầng, kết cấu liên vùng, liên tỉnh là rất là lớn. Tuy nhiên, thực tế ngân sách của một số địa phương không đáp ứng được. Do đó, việc thực hiện quy định nêu trên sẽ huy động được nguồn lực từ những địa phương có khả năng cân đối ngân sách.
Đề cập đến việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, Phó Thủ tướng thông tin, thực tế đã có những trường hợp như vậy. Chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công nhưng không thể dự báo hết được các nguồn thu ngân sách, do đó, Chính phủ đề xuất thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước đối với các dự án cấp bách, phải làm ngay. Quy định này hoàn toàn không xung đột với Luật Đầu tư công.
Cho ý kiến tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao công tác chuẩn bị Dự án Luật của cơ quan soạn thảo. Dự án được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ thành phần theo quy định.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để giải quyết những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, giải quyết những khó khăn, ách tắc hiện nay; Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/sua-doi-bo-sung-7-luat-linh-vuc-tai-chinh-de-giai-quyet-nhung-van-de-can-thiet-cap-bach.html