Sửa đổi, bổ sung Luật, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn lực quốc tế cho tiết kiệm năng lượng

Sửa đổi, bổ sung Luật, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn lực quốc tế cho tiết kiệm năng lượng
5 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trình bày tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của châu Âu (Green Deal) như Thuế carbon (ETS), cơ chế điều chỉnh các bon xuyên biên giới (CBAM) lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... đồng thời xây dựng các công cụ tài chính, cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ. Nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động sử dụng năng lượng...
Cùng với đó, tăng cường chuyển đổi công nghệ giảm cường độ năng lượng trong các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng phục vụ mục tiêu sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dự án sửa đổi, bổ sung 21 khoản thuộc 19 Điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010.
Về phân cấp, phân quyền, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã được rà soát, đảm bảo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và xem xét thực hiện phân cấp tối đa.
Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp, phân quyền, bãi bỏ đối với các nội dung: Thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với nội dung ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ quản lý chuyên ngành trong nội dung ban hành danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện; bãi bỏ nội dung Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm.
Qua rà soát, Luật hiện hành bao gồm 4 thủ tục hành chính. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ thực hiện cắt giảm 2 thủ tục hành chính (tỷ lệ cắt giảm 50%) về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng; giữ nguyên 2 thủ tục cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng và chứng nhận phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng. Việc cải cách thủ tục hành chính đã đáp ứng yêu cầu tại Công điện số 22/CĐ-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ đạo giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính.
“Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát các điều ước, cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và nhận thấy các nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không trái với các cam kết hay điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy bày tỏ thống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, các quy định quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cơ bản phù hợp; đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế cập nhật Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất.
Cùng với đó, nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia; làm rõ cơ sở quy định các biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy, vật liệu xây dựng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình. Nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao.
Để thực hiện chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định và chính sách truyền thông, ưu đãi phù hợp. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị xem xét, nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn; rà soát các điều, khoản để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất, phục vụ theo dõi xếp hạng và khen thưởng; nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia để theo dõi cho phù hợp hơn. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu việc bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.
Đối với quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng; nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật...
Thúy Hiền - Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/sua-doi-bo-sung-luat-viet-nam-se-thu-hut-duoc-nguon-luc-quoc-te-cho-tiet-kiem-nang-luong/372451.html