Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH.
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, qua tổng hợp, các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và hầu hết các nội dung của dự thảo nghị quyết.
Liên quan đến kỳ họp, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Theo ông Lê Quang Tùng, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm ít nhất hai kỳ; không nên phân biệt kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ; cần tránh đánh số thứ tự riêng cho kỳ họp thường lệ và số thứ tự riêng cho kỳ họp bất thường mà chỉ có số thứ tự kỳ họp thứ nhất cho đến kỳ cuối trong suốt nhiệm kỳ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH.
Ban soạn thảo nhận thấy, khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ”. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, xin được giữ cách thể hiện về số lượng kỳ họp thường lệ như trong dự thảo.
Tuy nhiên, đây cũng là một ý kiến hợp lý trong quá trình đổi mới và xu hướng tổ chức nhiều kỳ họp, vì vậy, Ban soạn thảo xin được ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tham mưu sửa đổi các quy định có liên quan.
Ông Lê Quang Tùng cho biết, đối với cách đánh số thứ tự các kỳ họp, để thuận tiện cho quá trình theo dõi, tránh nhầm lẫn, Ban soạn thảo đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép, từ nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội sẽ thực hiện đánh số tuần tự các kỳ họp (cả kỳ thường lệ và kỳ không thường lệ) theo thứ tự thời gian.
Ban soạn thảo cũng đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 11 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Dự thảo quy định Kỳ họp thường lệ giữa năm của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5; kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10. Trường hợp hai ngày trên trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội là ngày làm việc kế tiếp.
Trường hợp bất khả kháng, không thể tổ chức kỳ họp Quốc hội vào các thời điểm nêu trên hoặc trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định…
Minh Khôi