Sửa đổi Hiến pháp: Chủ trương đúng đắn, phù hợp khát vọng dân tộc

Sửa đổi Hiến pháp: Chủ trương đúng đắn, phù hợp khát vọng dân tộc
5 giờ trướcBài gốc
Quyết sách đột phá
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam.
Nghị quyết 194/2025/QH15 của Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: VPQH
- Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp 2013. Đây là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp.
Luật sư Bùi Văn Thành: Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với khát vọng trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, đã có những điểm nghẽn, những “nút thắt” lớn đang cản trở mục tiêu phát triển mạnh mẽ và bền vững, trong đó “thể chế” được coi là “nút thắt” của “nút thắt”, là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Vì vậy, cuộc đổi mới lần này cần được tiến hành toàn diện và thực chất về thể chế, tạo sự đồng thuận chính trị và khơi dậy khát vọng dân tộc, dám nghĩ lớn, dám làm lớn, hiệu quả, xã hội năng động, sáng tạo, phát triển. Từ đó, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực chất, đổi mới căn bản thể chế từ “kiểm soát”, “quản lý” sang thể chế pháp luật dẫn dắt sự phát triển.
Theo tôi, sửa đổi Hiến pháp 2013 là một chủ trương đúng đắn của nhà nước, là quyết sách đột phá, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của hệ thống chính trị, phù hợp với khát vọng của dân tộc, toàn thể người dân Việt Nam, để Việt Nam sẵn sàng về tâm, thế, lực bước vào kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 194/2025/QH15 của Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Những điều luật cần được sửa đổi, bổ sung nhằm triển khai thực chất, hiệu quả 4 đột phá về thể chế, bao gồm: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đột phá về phát triển kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, liên quan đến tính pháp lý và thẩm quyền, theo Điều 120 và Điều 119 Hiến pháp 2013, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền sửa đổi Hiến pháp và việc sửa đổi phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tán thành. Hiện nay, Quốc hội mới chỉ đang xin ý kiến của toàn dân đối với việc sửa đổi, bổ sung 8 điều này, chưa tiến hành sửa đổi toàn diện Hiến pháp 2013.
Yêu cầu cấp bách, chính đáng
Luật sư Bùi Văn Thành
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Luật sư Bùi Văn Thành: Quan điểm của tôi đồng tình với nhận định rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là một yêu cầu tất yếu và cấp bách, hoàn toàn chính đáng và cần thiết, xuất phát từ cả nhu cầu nội tại của đất nước lẫn những biến chuyển mạnh mẽ của thời đại, “mở đường” cho cuộc cải cách thể chế lần hai, đưa đất nước vượt qua điểm nghẽn, bứt phá tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Tuy nhiên, quá trình ấy cần được thực hiện với tinh thần thận trọng, khoa học, cầu thị và nhất là phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu.
Hiến pháp không chỉ là đạo luật gốc quy định tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, mà còn là "kim chỉ nam" cho các cải cách thể chế và quản trị quốc gia. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, chuyển từ “đang phát triển” sang mục tiêu “quốc gia phát triển”, thì việc hoàn thiện khuôn khổ hiến định trở thành điều kiện tiên quyết. Sửa đổi, bổ sung điều khoản tương ứng của Hiến pháp là căn cứ gốc để đổi mới bộ máy chính trị, tinh gọn tổ chức, xây dựng và nâng cao hoạt động hiệu quả hệ thống chính trị hiện đại, tương thích với bối cảnh phát triển mới.
- Là một luật sư, một doanh nhân có nhiều năm gắn bó với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, theo ông Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 194/2025/QH15 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ tạo những điều kiện thuận lợi như thế nào cho phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới?
Luật sư Bùi Văn Thành: Trong bối cảnh tình hình mới, để quy mô kinh tế, vị trí nền kinh tế Việt Nam trong xếp hạng kinh tế thế giới và xếp hạng thu nhập bình quân theo đầu người được cải thiện, thì rõ ràng, Việt Nam chỉ có con đường phát triển kinh tế, đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm duy trì ở mức cao thì mới không tụt hậu, mới có thể đạt mục tiêu là nước đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc lớn hơn 18.000 USD vào năm 2045.
Vì vậy, tôi cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW là đột phá của đột phá về tư duy với những mục tiêu và giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã tạo ra niềm tin, động lực mạnh mẽ cho doanh nhân, doanh nghiệp sáng tạo, đầu tư kinh doanh. Từ đó sẽ huy động được nguồn lực không giới hạn trong và ngoài nước để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, thực hiện mục tiêu cao cả dân giàu nước mạnh.
Tôi tin rằng, với Nghị quyết 68, cùng các trụ cột khác như Nghị quyết đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nghị quyết về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, sẽ tạo nên những động lực mới mạnh mẽ, hiệu quả để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.
Nghị quyết 194/2025/QH15 của Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung 8/120 Điều của Hiến pháp 2013, là quyết định sáng suốt, quan trọng, bằng hiến pháp hiến định đột phá về tư duy với những mục tiêu và giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân. Tôi mong rằng, những nội dung được thông qua sẽ được thực hiện với tinh thần thận trọng, khoa học, cầu thị và nhất là phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu, là nền tảng pháp lý căn bản, vững chắc để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết 194/2025/QH15 của Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Nguyễn Hòa (thực hiện)
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sua-doi-hien-phap-chu-truong-dung-dan-phu-hop-khat-vong-dan-toc-388584.html