Vào ngày 5-5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua hai nghị quyết liên quan việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Một ngày sau, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 đã công bố dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết liên quan việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với tỉ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Ảnh: QH
Đang lấy ý kiến góp ý trên hệ thống VNeID
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhóm thứ hai là các quy định tại Chương 9 liên quan mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo dự thảo, về chính quyền địa phương, dự thảo nghị quyết đã bỏ quy định về đơn vị hành chính cấp huyện, sửa đổi thành "các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".
Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ: Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Cũng theo dự thảo, sẽ sửa đổi, bổ sung 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30-6 để có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.
Hiện nay, việc sửa đổi Hiến pháp đang được lấy ý kiến của người dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thực hiện việc lấy ý kiến thông qua tiện ích VNeID.
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Chụp màn hình.
Tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trên địa bàn TP.
Công an TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban ngành TP, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID...
Thay đổi tư duy, đổi mới trong quản trị quốc gia
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết, nước ta đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2001, 2013).
Theo TS Bùi Ngọc Hiền, các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây thường được thực hiện sau các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng để cụ thể hóa những định hướng đổi mới, các quyết sách chính trị của Đảng cho một giai đoạn phát triển mới.
“Còn lần này, chúng ta tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 2013, để tạo lập cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị - tiền đề quan trọng, quyết định tiến trình phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"- TS Hiền nêu.
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng lần sửa đổi Hiến pháp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng theo TS Hiền, tuy chỉ sửa đổi 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, nhưng lần sửa đổi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Rõ nhất là phản ánh sự thay đổi về tư duy và sự đổi mới trong quản trị quốc gia.
TS Hiền đánh giá: "Việc sửa đổi Hiến pháp lần này truyền tải một thông điệp tới toàn xã hội. Đó là tinh thần đổi mới mạnh mẽ, là chỉ dấu, tiền đề quan trọng để đất nước ta chuyển mình, tăng tốc phát triển trong một giai đoạn mới".
Hơn nữa, lần sửa đổi Hiến pháp này cũng có sự khác biệt so với các lần sửa đổi trước đây về thời gian tổ chức thực hiện. Các nội dung, quy trình, thủ tục sửa đổi Hiến pháp được các cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị và tiến hành một cách bài bản, đúng pháp luật trong thời hạn tương đối ngắn.
TS Hiền phân tích, thực tế này xuất phát từ yêu cầu cấp bách để đảm bảo bộ máy mới của hệ thống chính trị được thiết lập, đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả trong lộ trình thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng ta lãnh đạo thực hiện với quyết tâm cao độ của toàn hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; sự quan tâm của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.
Kiến tạo thể chế xóa bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”
TS Bùi Ngọc Hiền cũng chia sẻ, các nội dung sửa đổi trong Hiến pháp lần này tập trung vào các nội dung quy định về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trước hết, nội dung sửa đổi hoàn thiện quy định về vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cũng hoàn thiện quy định về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bổ sung các nguyên tắc và cơ chế hoạt động của các tổ chức này trong tổ chức bộ máy mới.
Đồng thời bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”; bổ sung quy định về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội.
Về tổ chức đơn vị hành chính, nội dung sửa đổi đã đề xuất hiến định mô hình chính quyền địa phương hai cấp gồm: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Cùng với đó là bổ sung thêm các quy định về chính quyền địa phương hai cấp.
"Các quy định này cho thấy có độ mở để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và thực tiễn trong quá trình thực hiện"- vị chuyên gia phân tích.
TS Bùi Ngọc Hiền cho rằng, tuy không sửa đổi nhiều nhưng lần sửa đổi này thể hiện sự đổi mới rất lớn về tư duy cầm quyền của Đảng; thể hiện mạnh mẽ thông điệp quyết liệt thực hiện các mục tiêu của đất nước cũng như chuẩn bị các tiền đề căn cơ, quyết định cho một tiến trình phát triển mới của đất nước.
“Việc sửa đổi Hiến pháp cũng là minh chứng cụ thể hóa quan điểm của Đảng về tạo dựng nền thể chế, xóa bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, làm cơ sở để thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”- TS Hiền nêu.
Cũng theo vị chuyên gia, cùng với quá trình thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian qua cho thấy tính thực tiễn về tính dự liệu và tính thực ứng trong các chủ trương, đường lối của Đảng trước bối cảnh phát triển mới, chứa đựng nhiều yếu tố phi truyền thống và tác động đa chiều từ tình hình kinh tế - xã hội của thế giới.
Quá trình chuẩn bị công phu, lộ trình rõ ràng, bài bản, cùng với việc sử dụng đa dạng nhiều hình thức tham vấn trong lần sửa đổi Hiến pháp này cũng cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng; tính chuyên nghiệp, thống nhất cao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân và các bên liên quan.
Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID:
- Người dân thực hiện đăng nhập ứng dụng VNeID hoặc website https://vneid.gov.vn bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 đang hoạt động.
- Người dân thực hiện truy cập vào "Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID".
- Người dân chọn đọc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.
- Người dân thực hiện nhập nội dung góp ý và gửi thông tin.
- Bộ Công an tổng hợp góp ý của người dân và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung của Chính phủ.
THANH TUYỀN