Thủ tướng: Cấp nào sát thực tế, sát dân thì phân cấp, phân quyền cho cấp đó

Thủ tướng: Cấp nào sát thực tế, sát dân thì phân cấp, phân quyền cho cấp đó
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch rà soát các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền thuộc phạm vi, lĩnh vực của các bộ, cơ quan ngang bộ khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, qua rà soát có 1.251 nhiệm vụ phải phân cấp, phân quyền giữa Thủ tướng với bộ trưởng; giữa Thủ tướng, bộ trưởng với chính quyền địa phương; giữa bộ trưởng với chính quyền địa phương và phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, mục đích của ban hành dự thảo nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương không chỉ là “mệnh lệnh cải cách” mà còn là “định hướng chiến lược”, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương và phân định thẩm quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, giữ vai trò kiến tạo, tăng cường cường kiểm tra, giám sát. Phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương trên tất cả lĩnh vực, đảm bảo thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làn, địa phương chịu trách nhiệm”.
Dự thảo cũng quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đảm bảo phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân định thẩm quyền chung của HĐND, UBND, thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã phù hợp với chủ trương của Đảng, luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức các cấp trong triển khai nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.
Đồng thời loại bỏ các quy định, thủ tục, quy trình địa phương phải báo cáo, xin ý kiến chính phủ về các dự án, nhiệm vụ cụ thể đã được phân cấp, phân quyền. Ý kiến hướng dẫn về dự án, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành chỉ là tài liệu tham khảo, các địa phương căn cứ vào quy định pháp luật, chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đối với những vấn đề chưa có luật điều chỉnh vướng về pháp luật địa phương tập hợp, báo cáo chính phủ đề xuất tháo gỡ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để xây dựng thể chế. Theo đó, tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Xây dựng luật pháp để quản lý, kiến tạo phát triển ngành, lĩnh vực. Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển ngành, lĩnh vực nhanh, bền vững.
Thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát quyền lực, không để lãng phí, tiêu cực. Tổng kết, sơ kết, đánh giá cơ chế, chính sách, thể chế xây dựng để phát triển ngành, lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục công tác thi đua, khen thưởng với những nơi làm tốt, xử lý kịp thời những vi phạm.
Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới các bộ, ngành tập trung xây dựng thể chế trình Quốc hội và yêu cầu bám sát đến khi hoàn thiện việc ban hành thể chế.
Về nguyên tắc, phân cấp, phân quyền, Thủ tướng nhấn mạnh, triệt để phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống cơ sở. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; cùng với đó, thiết kế cơ chế giám sát kiểm tra và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.
"Việc phân cấp, phân quyền rà soát phân cấp, phân quyền từ Quốc hội đến cấp xã. Phân cấp, phân quyền thì cấp nào sát thực tế, sát dân và hiệu quả hơn thì phân cấp, phân quyền cho cấp đó. Nguyên tắc là không biết thì đừng quản, đã không quản thì phải phân cấp. Không bao biện, không làm thay và phải chống lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện”, Thủ tướng cho biết.
Về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng đề nghị ban hành nghị định để làm ngay, trên tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, quá trình thực hiện phát sinh thì điều chỉnh phù hợp. Tiếp tục rà soát các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền đến ngày 30/5. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để trình cấp có thẩm quyền.
Lại Hoa/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-cap-nao-sat-thuc-te-sat-dan-thi-phan-cap-phan-quyen-cho-cap-do-post1200203.vov