Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán nâng hạng thị trường

Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán nâng hạng thị trường
2 giờ trướcBài gốc
Còn tồn tại nhiều rào cản, phiền hà
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này thể hiện rõ ý tứ của Chính phủ và Bộ Tài chính là muốn nâng cao chất lượng thị trường, nhất là sau một số sự việc, sự cố đã xảy ra trên TTCK nên cần nâng tiêu chuẩn NĐT cá nhân. Tuy nhiên ông cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán quy định NĐT chuyên nghiệp cá nhân phải có tần suất giao dịch 10 lần/quý và 4 quý liên tục là chưa hợp lý. Bởi, nó có thể khiến NĐT phải tự mình tạo ra giao dịch không cần thiết, gây tốn kém chi phí giao dịch.
Nhìn nhận việc hoàn thiện quy định pháp lý về phát hành ra công chúng là vô cùng quan trọng để khuyến khích và ủng hộ việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng, thay vì như hiện nay tới 90-95% là phát hành riêng lẻ, song TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng dự thảo Luật lại đưa vào quy định mang tính chất rào cản, đó là yêu cầu trái phiếu phát hành phải có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh ngân hàng. Trong khi thông thường, các nước sẽ phân nhóm trái phiếu doanh nghiệp là tốt hay rủi ro, cực kỳ rủi ro. Từ đó, ông đề xuất cần phải quy định lại hoặc bỏ đi và thay vào đó là quy định hợp lý hơn như nghiên cứu tới điều kiện xếp hạng tín nhiệm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cũng cho rằng, việc tăng điều kiện phát hành quá cao như phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của TCTD tất nhiên là an toàn, nhưng với điều kiện như thế, doanh nghiệp sẽ không phát hành mà đi vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn, khi đó áp lực vốn sẽ lại quay trở lại dồn vào kênh tín dụng.
Ông cũng cùng quan điểm với Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật Ngô Vĩnh Bạch Dương về việc không nên hạn chế NĐT cá nhân tham gia thị trường trái phiếu, bởi NĐT cá nhân là một thành tố cho sự phát triển của thị trường trái phiếu hôm nay và nếu không có NĐT nhỏ lẻ, đầu tư ngắn hạn thì thị trường không có thanh khoản. Thay vào đó, cần cung cấp đủ thông tin cho NĐT để lựa chọn.
Cũng liên quan đến NĐT, Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Citibank Phạm Hữu Hải thì phân tích, việc nâng hạng thị trường nhằm mục tiêu huy động vốn NĐT chiến lược, NĐT lớn, tăng tín nhiệm cho thị trường. Tuy nhiên, việc hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ tối thiểu từ 1 năm lên 3 năm sẽ làm giảm tính hấp dẫn của thị trường.
Ông Hải cũng đề nghị giảm thời gian phê duyệt lên sàn với các doanh nghiệp IPO. Trong khi thông lệ quốc tế chỉ mất 2-3 ngày từ khi chốt sổ đến lên sàn để mua bán thì Việt Nam quy trình này kéo dài 2-3 tháng, thậm chí lâu hơn, qua đó gây rủi ro cho NĐT. Đây cũng là lý do các NĐT không quan tâm đến cổ phiếu Việt Nam khi IPO, không có giao dịch lớn IPO.
NĐT cá nhân là một thành tố cho sự phát triển của thị trường trái phiếu
Cần xếp hạng tín nhiệm nhưng miễn với TCTD
Nhìn nhận việc xếp hạng tín nhiệm là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển TTCK, song ông Lực đề xuất nên sửa và quy định xếp hạng tín nhiệm trong luật theo 3 hướng: Với doanh nghiệp đã được tổ chức quốc tế uy tín như Standard & Poor's (S&P), Moody's và Fitch xếp hạng sẽ được miễn hoặc không phải xếp hạng tín nhiệm trong nước; phải phân nhóm xếp hạng tín nhiệm, có thể không cần quy định chi tiết trong Luật nhưng phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết; với TCTD, không yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bởi TCTD phát hành để tăng vốn cấp 2, bên cạnh đó TCTD đã phải tuân thủ về các tiêu chuẩn an toàn được quản lý bởi NHNN và hầu như các TCTD đều được các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm.
Ông cũng đề xuất giao Bộ Tài chính quy định rõ hành vi nào là bán khống, thay vì liệt kê trong luật; đồng thời giao cho Chính phủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng như rà soát xem ngành nào nên tăng, giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Về tự do hóa tài sản vốn ở thị trường ngoại hối, cần nêu trong Luật và giao cho Chính phủ quy định theo hướng cởi mở hơn. Ông Lực cho rằng đây là điều kiện quan trọng để nâng hạng TTCK và thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Liên quan đến Khoản 1, Điều 11a dự thảo về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo có quy định "Tổ chức, cá nhân tham gia xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo đó", Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam Trần Thúy Ngọc cho rằng, cụm từ "xác nhận" cần xem lại vì để xác nhận sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp, đồng thời cũng không thể thực hiện trong vòng 1 tháng theo quy định. Vì vậy, bà đề xuất nên thay cụm từ "xác nhận" bằng "cung cấp" hồ sơ, tài liệu báo cáo liên quan.
Bà Ngọc cũng cho rằng dự thảo bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng (Điều 33) có thêm báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm tính đến thời điểm đăng ký công ty đại chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập là không khả thi.
Theo nhìn nhận của bà Ngọc, “dường như chúng ta đang hồi tố về việc góp vốn, đặt câu hỏi cho NĐT tại sao lại phải làm như vậy. Hơn thế trong thời gian này, công ty có thể đã chia tách, sáp nhập, thậm chí nhiều lần thì khó có thể còn hồ sơ lưu trữ. Bên cạnh đó, trước đây có nhiều hình thức góp vốn, không chỉ bằng tiền mà còn bằng các tài sản vô hình và hữu hình mà chưa quy định về xác định giá tài sản…”.
Minh Ngọc
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/sua-doi-luat-chung-khoan-va-bai-toan-nang-hang-thi-truong-156846.html