Sửa đổi Luật Điện lực: Tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết

Sửa đổi Luật Điện lực: Tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết
3 giờ trướcBài gốc
Trên cơ sở nhận diện các vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 18
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin, bổ sung tài liệu có liên quan; tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với 6 chính sách đã được thông qua. Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một số ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cùng với kiến nghị của Chính phủ thông qua dự án Luật này theo quy trình 1 kỳ họp thì chưa nên sửa đổi toàn diện Luật Điện lực mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong trường hợp phạm vi sửa đổi chỉ tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đã chín, đã rõ; chỉ luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, dự án Luật được chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan; quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình tại 1 kỳ họp…
Ngoài những vấn đề trên, Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát nội dung quy định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực; giấy phép hoạt động điện lực; quy định chuyển tiếp; các quy định và tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả trong việc triển khai thực hiện thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng (LNG); làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu
Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, đây là luật chuyên ngành, rất khó. Việc sửa đổi luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay nhưng chỉ làm trong 1 kỳ họp là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, không vì sức ép thời gian mà ảnh hưởng đến chất lượng luật. Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị chỉ sửa đổi các vấn đề thực sự cấp thiết, không đưa các vấn đề ở tầm thông tư, nghị định vào trong luật. Và với sự eo hẹp về thời gian cơ hữu như hiện nay, rất khó thông qua tại 1 kỳ họp. Trường hợp nếu được thông qua, phải làm thật kỹ, bảo đảm tính ổn định và phải tháo gỡ được những khó khăn trong thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu
Về các quy định liên quan đến quy hoạch điện lực, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) tán thành như quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo với các nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp, đặc biệt là những quy định chung về lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nam) phát biểu
Ở góc độ cụ thể hơn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nam) đề nghị quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan bán điện trong vấn đề bảo đảm an toàn, cụ thể là cháy nổ như thế nào. Theo đại biểu Trần Quốc Hưng, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan cung cấp điện với Nhân dân, với xã hội. Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét thêm vấn đề này.
Tin và ảnh: Khánh Ninh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/sua-doi-luat-dien-luc-tap-trung-vao-nhung-van-de-that-su-cap-thiet-post394456.html