Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Khơi thông điểm nghẽn, nâng tầm thị trường

Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Khơi thông điểm nghẽn, nâng tầm thị trường
8 giờ trướcBài gốc
Mở đường cho cải cách thể chế ngành bảo hiểm
Đáng chú ý, Luật sửa đổi cũng cho phép triển khai song song 2 mô hình tính vốn dựa trên rủi ro (RBC) và biên khả năng thanh toán truyền thống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm có thời gian thích ứng lộ trình chuyển đổi.
Sau hơn 2 năm thi hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 - Luật số 08/2022/QH15 đã từng bước góp phần định hình khung pháp lý hiện đại cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều văn bản pháp luật liên quan tiếp tục được sửa đổi, đặc biệt là yêu cầu cải cách thể chế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, các chuyên gia chính sách cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), có 4 lý do cốt lõi, cần thiết cho việc sửa đổi luật. Trước hết là yêu cầu thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt từ Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.
Theo đó, hệ thống pháp luật, trong đó có bảo hiểm, cần được “minh bạch hóa, số hóa, thông minh hóa”; đồng thời giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025.
Thứ hai, việc sửa luật là phản ứng chính sách quan trọng nhằm hiện thực hóa yêu cầu tại Thông báo số 05-TB/BCĐTW, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo “cơ bản hoàn thành tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý trong năm 2025”. Với đặc thù là lĩnh vực tài chính - kỹ thuật, bảo hiểm rất cần một khung pháp lý linh hoạt, hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người dân nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng cho doanh nghiệp vận hành và đổi mới.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể trong các Nghị quyết số 158/2024/QH15 và Nghị quyết số 198/2025/QH15, yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, đơn giản hóa thủ tục và giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Luật sửa đổi lần này chính là bước đi cụ thể hóa các cam kết đó trong ngành bảo hiểm.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tăng sức bật cho thị trường
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, dự thảo sửa đổi lần này tập trung vào 3 nhóm mục tiêu: hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và khơi thông nguồn lực thị trường. Trọng tâm của thay đổi là cắt giảm điều kiện kinh doanh tại 8 điều luật then chốt liên quan đến cấp phép hoạt động, điều kiện quản lý nhân sự, đầu tư ra nước ngoài, cung cấp dịch vụ đại lý và phụ trợ bảo hiểm. Đây đều là các điểm từng được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh là “rào cản ngầm” khi gia nhập và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng mạnh dạn phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý bảo hiểm. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng tổ chức chính quyền 2 cấp hiện nay mà còn giúp tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ, giảm áp lực lên bộ máy Trung ương.
Đáng chú ý, Luật sửa đổi cũng cho phép triển khai song song 2 mô hình tính vốn dựa trên rủi ro (RBC) và biên khả năng thanh toán truyền thống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm có thời gian thích ứng lộ trình chuyển đổi. Việc này được đánh giá là đi đúng hướng với thông lệ quốc tế, giúp Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Một điểm tiến bộ nữa là việc hợp thức hóa chế độ hậu kiểm (thay vì tiền kiểm như trước) kết hợp với cải cách thủ tục hành chính để tăng hiệu quả quản lý nhưng vẫn bảo đảm minh bạch, trách nhiệm và an toàn thị trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, khu vực bảo hiểm, với vai trò là kênh huy động và phân bổ vốn trung, dài hạn, cần được “giải phóng” khỏi những rào cản không còn phù hợp. Sửa luật không chỉ là yêu cầu kỹ thuật pháp lý, mà còn là động thái chính trị, hành chính quan trọng để tiếp sức cho doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn chuyển đổi số và thích ứng rủi ro ngày càng gia tăng.
Theo giới chuyên gia, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm không chỉ mang tính cập nhật mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn. Đây là bước chuẩn bị cho một thị trường bảo hiểm phát triển mạnh, lành mạnh, có khả năng bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn; đồng thời hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, việc xác lập các nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu can thiệp hành chính không cần thiết và tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp là những nền tảng quan trọng để bảo hiểm Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, bền vững và hội nhập sâu rộng hơn.
Tuấn Thủy
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/sua-doi-luat-kinh-doanh-bao-hiem-khoi-thong-diem-nghen-nang-tam-thi-truong.html