Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Ngành điện đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế, cung cấp năng lượng cần thiết để duy trì sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng vượt bậc về nhu cầu sử dụng điện, ngành điện Việt Nam hiện đối diện với nhiều thách thức lớn, từ việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch đến những rào cản về đầu tư.
Để khắc phục các vấn đề này, việc sửa đổi các văn bản luật liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Điện lực hiện hành đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Khung pháp lý chưa đảm bảo tính đồng bộ
Theo Bộ Công Thương, sự điều chỉnh trong Luật Điện lực dù đã được thực hiện nhằm tương thích với Luật Quy hoạch, nhưng các quy định mới vẫn chưa giải quyết được hết các khó khăn trong thực tiễn. Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là nhiều dự án điện lực, đặc biệt là các dự án không thuộc danh mục ưu tiên, gặp khó khăn khi triển khai do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để đánh giá tính phù hợp với quy hoạch tổng thể.
Theo Luật Quy hoạch, chỉ các dự án quan trọng, có tính ưu tiên đầu tư mới được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Điều này dẫn đến việc các dự án còn lại phải được tổng hợp vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch, một quá trình phức tạp đòi hỏi phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền, kéo dài thời gian triển khai và gây khó khăn trong kiểm soát tiến độ.
Ngành điện Việt Nam hiện đối diện với nhiều thách thức lớn, từ việc thiếu đồng bộ trong Luật Quy hoạch đến những rào cản trong Luật Đầu tư. - Ảnh: EVN
Điều này trở nên nghiêm trọng khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt từ năm 2023, nhưng đến năm 2024 mới có quyết định về Kế hoạch thực hiện chi tiết. Nhiều dự án điện lực không được nêu tên trong quy hoạch và phải chờ thêm thời gian để có danh mục, gây khó khăn lớn trong việc đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và xã hội.
Nỗ lực xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào lưới truyền tải điện được chính phủ nhấn mạnh nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách. Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhau vào việc xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, miễn là đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, dù Luật số 03/2022/QH15 đã điều chỉnh một số quy định nhằm thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, việc triển khai vẫn gặp khó khăn vì thiếu các danh mục cụ thể về các dự án có thể xã hội hóa.
Sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, mới xác định được các dự án truyền tải điện nào cần thu hút vốn xã hội hóa. Mặc dù vậy, sự phân định rõ ràng giữa vai trò nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư và vận hành lưới điện vẫn cần quy định chặt chẽ hơn.
Một bất cập khác trong quá trình phát triển ngành điện lực là thiếu sự đồng bộ giữa Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia (QHPTĐL) và các quy hoạch tỉnh. Theo quy định, các phương án phát triển mạng lưới cấp điện nằm trong quy hoạch tỉnh, nhưng quy hoạch tỉnh lại không bao gồm đầy đủ các dự án điện được phê duyệt ở cấp quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án nguồn điện đã có trong quy hoạch cấp quốc gia nhưng không có phương án đấu nối tại các địa phương, gây ra chậm trễ không đáng có trong quá trình triển khai.
Theo Bộ Công Thương, để khắc phục, các quy định về điều chỉnh quy hoạch cần phải linh hoạt hơn, cho phép một số điều chỉnh nhỏ mà không cần thiết phải lập quy hoạch mới từ đầu, tương tự như các quy định trong Luật Xây dựng về điều chỉnh dự án đầu tư. Điều này sẽ giúp quá trình triển khai các dự án điện được thực hiện nhanh chóng và kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội.
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư trong ngành điện cũng đang gặp phải nhiều vướng mắc, chủ yếu do các hình thức lựa chọn không hoàn toàn phù hợp với đặc thù ngành. Mặc dù Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có nhiều cải tiến, nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện lực vẫn chưa có quy định cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi.
Hiện nay, lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu dựa trên hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc này chưa phù hợp với tính đặc thù của ngành điện, vốn yêu cầu thời gian triển khai nhanh và tính liên tục trong cung cấp điện. Vì vậy cần xây dựng các quy định rõ ràng về lựa chọn nhà đầu tư, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tư nhân, trong quá trình phát triển ngành điện lực.
Nhiều dự án điện lực hiện đang sử dụng nguồn vốn nhà nước, dẫn đến sự chồng chéo với các quy định về quản lý vốn đầu tư công và quản lý tài sản nhà nước. Các dự án có thời gian thi công ngắn, đặc biệt là các dự án cấp điện áp trung hạ thế, thường phải trải qua thủ tục phê duyệt kéo dài. Điều này dẫn đến nguy cơ không đáp ứng được nhu cầu điện tại các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.
Ngoài ra, các quy định hiện hành chưa có cơ chế đặc thù cho các dự án điện khẩn cấp, điều này dẫn đến việc không thể rút ngắn quy trình thực hiện khi có nhu cầu cấp thiết. Để giải quyết vấn đề này, cần có quy định cụ thể về các dự án được coi là cấp bách và được áp dụng thủ tục đặc biệt, tương tự như quy định về công trình khẩn cấp trong Luật Xây dựng.
Để tăng tính hiệu quả, quy trình điều chỉnh quy hoạch cũng cần được đơn giản hóa. Theo Bộ Công Thương, hiện tại quy trình này mất quá nhiều thời gian, yêu cầu phải tuân theo các bước tương tự như quy trình lập mới. Việc áp dụng quy trình rút gọn cho các dự án khẩn cấp sẽ giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng tại những khu vực phát triển nhanh, giảm bớt gánh nặng cho ngành điện và tạo điều kiện thuận lợi cho các tình huống cung cấp điện đột xuất.
Luật Đầu tư cũng cần được sửa đổi để tăng cường phân cấp thẩm quyền cho các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các dự án lưới điện từ 220kV trở xuống. Việc này sẽ giảm tải cho các cơ quan trung ương và tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố có quyền tự quyết trong việc cấp phép đầu tư, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, các quy định về nguồn vốn vay ưu đãi cho ngành điện cần được nới lỏng để các dự án điện dễ dàng tiếp cận. Hiện tại, nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực điện lực gặp khó khăn về tài chính do các điều kiện vay vốn khắt khe. Để đảm bảo các dự án điện lớn có thể triển khai hiệu quả, Nhà nước cần mở rộng các nguồn vốn ODA và tín dụng ưu đãi.
Ngành điện Việt Nam không chỉ cần vốn đầu tư từ Nhà nước mà còn cần sự tham gia của khối tư nhân. Để khuyến khích các nhà đầu tư ngoài nhà nước tham gia vào hệ thống truyền tải, cần có chính sách cụ thể xác định những lĩnh vực nào Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và những lĩnh vực nào sẽ mở rộng cho tư nhân. Đây là biện pháp thiết yếu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành điện.
Giải pháp tối ưu để khắc phục các khó khăn
Theo TS.Thái Doãn Hoàng Cầu, chuyên gia năng lượng, Luật Điện lực cần được cập nhật một cách linh hoạt, phản ánh nhanh chóng các thay đổi của thị trường điện và công nghệ. Ông cho biết các văn bản bổ trợ cho Luật Điện lực cần được sửa đổi thường xuyên để thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng về điện năng và sự phát triển kinh tế.
Đánh giá riêng với Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, TS.Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng bản dự thảo là đã đáp ứng các mục đích, mục tiêu và quan điểm xây dựng luật đã đề ra. Dự luật có tính toàn diện, đồng bộ và liên thông với các luật liên quan và phản ánh các ý kiến góp ý đa chiều hợp lý cần có.
Với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, và các bên liên quan, dự thảo luật sửa đổi lần này được đánh giá là tiến bộ, phản ánh những thay đổi thực tiễn của ngành điện. Sự linh hoạt trong quản lý điện lực sẽ giúp tăng tính khả thi của dự luật, đảm bảo cung ứng điện ổn định cho cả nước trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.
Quy hoạch điện VIII đã dự báo nhu cầu điện của Việt Nam sẽ gần gấp đôi vào năm 2030 và tăng gấp năm lần vào năm 2050 so với năm 2023, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Để đạt được điều này, dự toán đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới điện trong giai đoạn 2021-2030 lên đến 135 tỷ USD, và có thể lên đến 523 tỷ USD trong giai đoạn 2031-2050.
Bộ Công Thương đánh giá, việc sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Điện lực cùng các luật liên quan khác không chỉ là bước đi cấp thiết mà còn là giải pháp tối ưu để khắc phục các khó khăn, bất cập trong ngành điện. Những thay đổi này sẽ giúp giảm thiểu rào cản hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tạo đà cho ngành điện phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.
Các điều chỉnh cần được xây dựng trên cơ sở khoa học và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia, đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và doanh nghiệp. Việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) cùng với việc điều chỉnh các luật liên quan sẽ mở ra chương mới cho ngành điện Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thế Duy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sua-doi-luat-quy-hoach-va-luat-dau-tu-dong-luc-moi-cho-nganh-dien-viet-nam-356922.html