Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đảm bảo tính khái quát, ổn định và khả thi của luật

Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đảm bảo tính khái quát, ổn định và khả thi của luật
3 giờ trướcBài gốc
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (giảm 84 điều so với Luật hiện hành).
Dự thảo luật quy định khi phân quyền, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương phải bảo đảm xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả. Không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và giữa các cấp chính quyền địa phương. Phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp. Kiểm soát quyền lực và quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên.
Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Dự thảo luật quy định rõ chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp; cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp thẩm quyền kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Về việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp. Có ý kiến đề nghị, cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục hơn việc mở rộng này bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương như đề xuất tại dự thảo luật chưa có sự thống nhất với mô hình tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô. Do đó, đề nghị Chính phủ thể hiện rõ quan điểm về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội sắp tới nên được tiếp tục thực hiện theo Luật Thủ đô hay sẽ thực hiện thống nhất như các thành phố khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Về tổ chức và hoạt động của UBND, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, quy định thống nhất theo hướng cả nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND là người đứng đầu UBND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp (đối với nơi có tổ chức HĐND), trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị trực thuộc (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) hoặc công chức ở cấp xã sẽ là bộ phận hợp thành cơ cấu của UBND ở từng cấp.
Đại biểu tham gia phiên họp.
Thảo luận về nội dung này, các ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo luật và cho rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa kịp thời các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Quang cảnh phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần đảm bảo đồng bộ với các luật khác; đồng thời, rà soát các quy định mới đảm bảo không trái với Hiến pháp.
Về mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, có thể tăng quyền của Chủ tịch UBND, nhưng cân nhắc bỏ thẩm quyền quyết định của tập thể UBND trong dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Nội vụ có văn bản lấy ý kiến các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội khi sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền của HĐND và UBND...
Ngoài ra, đối với đề xuất không tổ chức HĐND ở xã trong đô thị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng, trên cơ sở làm rõ mặt được, mặt chưa được để có cơ sở trình Quốc hội cho ý kiến.
Nhật Minh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sua-doi-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-dam-bao-tinh-khai-quat-on-dinh-va-kha-thi-cua-luat-i758226/